Giới thiệu sách Tình Yêu Và Tuổi Trẻ
Tình yêu và tuổi trẻ (nguyên tác tiếng Pháp: Fermina Márquez) là câu chuyện xảy ra dưới một mái trường trung học trong một bầu không khí đầy thơ và mộng. Một nữ sinh Nam Mỹ, quý phái và thánh thiện, bị quyến rũ và phải lòng trước hai cậu thiếu niên.
Một cậu đã sành sỏi, già dặn trong sự chinh phục và một cậu có tâm hồn đầy phức tạp và đầy thao thức, bị xâu xé giữa những khát vọng sâu thẳm và âm u nhất. Câu chuyện của tuổi học trò, của thời niên thiếu. Có lẽ không phải tình cờ mà Valery Larbaud đã chọn những tâm hồn niên thiếu làm nhân vật chính cho tác phẩm. Bởi ai còn lạ gì, đó là lứa tuổi nhiều phép lạ nhất của đời người. Với Tình yêu và tuổi trẻ, Larbaud không mô tả, không phân tích, không kể; trái lại, ông gợi lên một thế giới, ông làm sống lại cái thế giới đó không phải dưới mắt mà ngay trong tâm hồn người đọc, cũng như chính ông, ông không tìm kiếm những chất liệu làm nên cái thế giới đó từ bên ngoài mà ở chính nơi ông.
Tình yêu và tuổi trẻ chính là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta, là cuộc “phiêu lưu” kỳ diệu của tâm hồn niên thiếu mãi mãi còn là tâm hồn bạn của mỗi người trong chúng ta. Cuốn truyện được viết bằng ngôi thứ nhất. Và khi xếp quyển sách lại, dường như người đọc không còn nhớ rõ hay phân biệt lúc nào ngôi thứ nhất đó là “tôi” và lúc nào nó là “chúng tôi”; và có lẽ sau khi kết thúc câu chuyện kể, chính tác giả cũng không còn phân biệt được điều đó. Hơn thế nữa, cái “tôi” của tác giả cũng chính là cái “tôi” của người đọc. Và cái “chúng tôi” đã trở thành cái “chúng ta”. Bởi từ lúc nào (từ lúc nào? Có phải từ dòng chữ thứ nhất khi “ánh phản chiếu từ khung cửa kính của phòng khách chợt lướt qua trên sân cát” báo hiệu sự xuất hiện rực rỡ của người con gái có tên là Fermina?) người ta đã không còn đóng vai khán giả nữa, người đọc đã thực sự bước vào sân khấu muôn đời của lứa tuổi thần tiên. Bạn đã có mặt trong ngôi trường trung học đó, đang ngồi trong lớp học, hoặc đứng cười khúc khích bên hàng rào sim, hoặc đang sánh bước bên nàng Fermina kiều diễm: bạn là Santos, bạn là Léniot, bạn là Camille Moûlier, bạn là tất cả mọi người, bạn là từng người một. Bạn chuyện trò, nói năng, mơ ước, khát vọng… Lớp học kia là lớp học của bạn. Những tâm hồn bạn kia lànhững tâm hồn bạn của chính bạn. Và lời kể kia không còn là lời kể của người kể chuyện mà của chính người nghe chuyện. Kỳ lạ thay, người đọc không ngừng viết và viết lại câu chuyện. Hãy cảm ơn Valery Larbaud đã cho ta cái cơ hội đó, cảm ơn ông đã đưa chúng ta trở về lớp học ngày nào, ngồi vào chỗ ngồi của chính mình. “Không có gì thay đổi, thêm một ít bụi trên các bàn học, chỉ có thế.” Chỉ có thế. Mỗi người đều nhận ra điều đó, một sự thật vô cùng đơn giản nhưng cũng vô cùng khốc liệt. Bởi lớp bụi mỏng kia đã đủ vùi lấp một đoạn đời, một thế giới. Đó là cái gì còn lại khi thời gian đã vỗ cánh bay xa và cùng bay xa theo nó cả một lứa tuổi vàng. Ta vẫn ngồi đó, trong lớp học cũ, nơi bàn học cũ. Tiếng bước đâu đây, tiếng cười đâu đó… Không, chỉ có mình ta thảng thốt kêu lên: Đâu mất cả rồi, những tâm hồn bạn trìu mến ngày nào, họ đã đi về đâu, ai còn, ai mất giữa dòng đời đầy bất trắc, tang thương? “nhiều người đã chết, cậu ơi, nhiều người đã chết!”
Nhiều người đã chết, như Léniot, người học sinh xuất sắc với tâm hồn tối tăm, đày ải, như bao người khác “đã chết cho tổ quốc”… Và những ai còn sống, họ trôi dạt về đâu? Còn Fermina Márquez, nàng tiên đã từng ngự giữa “triều đình tình ái” ngày nào, nàng hiện sống ra sao dưới vòm trời Colombie xa lắc? Hãy tưởng tượng rằng nàng hạnh phúc. Vâng, hãy tưởng tượng… Quyển sách xếp lại, dường như ta vẫn ngồi đó trong lớp học cũ, nơi bàn học cũ. Mãi mãi ngồi đó. Ngậm ngùi…
Mời bạn đón đọc.