Giới thiệu sách Lịch Vạn Niên Việt Nam Thế Kỷ XXI (2001 – 2100) – Tái Bản 2014
Từ xa xưa, nhân loại đã sớm quan tâm tìm hiểu những nhịp điệu của tự nhiên. Khi sản xuất còn khá thô sơ, con người bị phụ thuộc một cách chặt chẽ vào thiên nhiên, những hiện tượng như mưa, nắng, nóng lạnh… tác động rất lớn đến cuộc sống, nhất là nền kinh tế nông nghiệp trồng trọt đòi hỏi người ta phải tính toán trước được thời điểm mùa vụ gieo trồng. Mặt khác, những hoạt động xã hội cũng đặt ra một yêu cầu phải có một thời gian biểu thống nhất để đảm bảo cho các thành viên trong cộng đồng có thể hoạt động một cách nhịp nhàng. Các lễ hội và sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cần được tổ chức phù hợp với các hiện tượng tự nhiên. Thực tế ấy là động lực thúc đẩy việc ra đời của lịch. Ban đầu, hiểu biết của con người về các hiện tượng tự nhiên khá đơn giản, nhưng sự trao truyền kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác đã làm cho vốn kiến thức ngày càng phong phú hơn, đặc biệt khi xã hội xuất hiện sự phân công lao động thì việc làm lịch được chuyên môn hoá. Nghĩa là, lịch ra đời do yêu cầu của xã hội, nó đánh dấu sự phát triển của tư duy nhân loại đạt đến một trình độ nhất định.
Lịch không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa phân chia thời gian tự nhiên thành hệ thống đơn vị ngày, tháng, năm… mà nó còn phản ánh những quan niệm về thời gian, về những chu kỳ của cuộc sống và cách ứng xử của con người với tự nhiên, xã hội và bản thân. Trong lịch hàm chứa nhiều thông tin về văn hoá của một cộng đồng, dân tộc.
Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng đồng thời hại loại lịch: lịch dương Gregorius và lịch âm-dương. Đâylà sự tồn tại của hai hệ thống thời gian lịch vốn độc lập với nhau song lai tạo nên sự hài hoà, song hành của yếu tố truyền thống và hiện đại, chính thống và dân gian. Lịch dương Gregorius có vai trò công lịch chính thức của Nhà nuớc, được sử dụng trong hệ thống hành chính, trong các văn bản hành chính, pháp luật. Lịch âm-dương có vai trò như một thứ lịch văn hoá, là thời gian biểu của các sinh hoạt văn hoá cổ truyền như: lễ tết, lễ hội dân gian, giỗ chạp, cưới hỏi và xem ngày tốt xấu, tính tuổi làm ăn, tính tử vi, lý số, châm cứu bấn huyệt theo giờ…
Nhằm cung cấp cho độc giả một công cụ tìm hiểu, tham khảo, tra cứu lịch Việt Nam thế kỷ XXI và một số phong thục cổ truyền liên quan đến lịch âm-dương, giới thiệu cuốn sách Lịch vạn niên Việt Nam thế kỷ XXI (2001-2100)
Phần thứ nhất: Khái quát về lịch cung cấp cho độc giả những thông tin, tri thức về lịch nói chung.
Phần thứ hai: Lịch Việt nam thế kỷ XXI (2001-2100) là biểu lịch của 100 năm thế kỷ XXI. Số liệu lịch đã được soạn giả sử dụng kết quả tính toán của Thạc sĩ Trần Tiến Bình, một chuyên gia tính lịch hàng đầu ở Việt Nam hiện đang công tác tại Phòng Nghiên cứu lịch, Trung tâm Thông tin Tư liệu thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam.
Phần thứ ba: Xem ngày theo phong tục cổ truyền giới thiệu một số phong tục và cách thức chọn ngày tốt xấu, xem giờ Hoàng đạo, chọn hướng xuất hành…
Mời bạn đón đọc.