Giới thiệu sách Tuyển Tập Lịch Sử Hoài Anh – Quyển 2 – Tấm Long Bào (Tiểu Thuyết Lịch Sử)
“…. Sáu mươi chín tuổi rồi, Hoài Anh vẫn còn đang viết không ngưng nghỉ. Ngọn lửa sống trong ông còn mãnh liệt lắm, bởi vì ông sống lặng lẽ, chỉ ham sáng tạo, không màng danh lợi. Ông chân thật với bạn bè, ưu ái người viết trẻ, và rất chịu đọc văn của người khác. Văn chương ông trong sáng, giàu hình ảnh, giàu vốn sống; ngôn ngữ trong tác phẩm của ông chứng tỏ ông rất chịu đi, chịu học ngôn ngữ từng địa phương. Có nhiều người hỏi tôi: Cái ông Hoài Anh lủ khủ lù khù thế mà sao viết khoẻ, viết dữ dội vậy? Tôi đáp: Ông viết được như thế là nhờ tình yêu! Ông yêu đời, yêu nghề như yêu chính cuộc đời mình. ông có trí nhớ tuyệt vời, do bẩm sinh, tất nhiên, nhưng tôi cho rằng chủ yếu cũng là nhờ tình yêu nghề…”
Dương Vân Nga là cháu, gọi Dương Như Ngọc – vợ Ngô Quyền bằng cô ruột, được Ngô Quyền nuôi ở trong cung. Ngô Quyền mất, em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu là Xương Ngập. Ngô Xương Văn trừ được Dương Tam Kha, lên ngôi là Nam Tấn Vương. Nam Tấn Vương đem quân đi đánh Đinh Bộ Lĩnh. Thấy Đinh Bộ Lĩnh là người có chính nghĩa, vì dân vì nước, Dương Vân Nga ủng hộ Đinh Bộ Lĩnh nên bị Nam Tấn Vương giam vào lãnh cung. Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong các sứ quân, thống nhất đất nước, lên làm vua, lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu. Nhà Tống chỉ phong Đinh Bộ Lĩnh là Giao Chỉ Quận vương. Dương Vân Nga đã vận động dân chúng may tấm long bào cho Đinh Bộ Lĩnh bằng tơ lụa dệt trong nước. Khi Đinh Bộ Lĩnh bị giết, con nhỏ Đinh Tuệ lên nối ngôi. Quân Tống sang xâm lược nước ta. Biết Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có đủ tài lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược, Dương Vân Nga đã khoác tấm long bào lên mình Lê Hoàn để ông ra chiến tướng đánh giặc cứu nước.
Mời bạn đón đọc
Nhà thơ đi bộ và tuyển tập 16 cuốn truyện lịch sử VN
TT – Nhà thơ đó là Hoài Anh, một người cả đời không thể tự lái một chiếc xe dù là xe đạp, mà chỉ cuốc bộ. Lặng lẽ, bền bỉ, trong khoảng 50 năm cầm bút thì có hơn 30 năm Hoài Anh viết truyện lịch sử.
Với vốn Hán – Nôm và tiếng Pháp khá giỏi, cộng với việc có thể đọc thông thạo nhiều ngoại ngữ khác, Hoài Anh là một số trong ít nhà văn VN tinh thông sử Việt với sự chắc chắn cùng kiến văn rộng rãi.
Trong 16 cuốn truyện lịch sử VN (vừa được NXB Văn Học ấn hành, tháng 9-2006) thì có hai tập truyện, còn lại là các tập tiểu thuyết. Bắt đầu từ thời Hai Bà Trưng với tiểu thuyết Mê Linh tụ nghĩa, Hoài Anh đã tái hiện chân dung, thân phận những người phụ nữ những năm đầu thế kỷ thứ I của nước ta.
Viết chi tiết, sinh động, tái hiện không khí lịch sử cùng phong hóa dân tộc qua mỗi thời kỳ một cách tinh tế. Đó là thế mạnh của Hoài Anh thể hiện qua tiểu thuyết lịch sử. Tiếp theo Mê Linh tụ nghĩa là các tập sách: Tấm long bào, Như Nguyệt, Ngựa ông đã về, Đất Thang Mộc I, II, Lời thề lửa, Mưu sĩ của Quang Trung: Trần Văn Kỷ, Vua Minh Mạng, Chiến lũy Tháp Mười, Nguyễn Thông vọng mai đình.
Hoài Anh cho biết ông còn dăm cuốn tiểu thuyết lịch sử đang viết, chuẩn bị in. Những cuốn tiểu thuyết lịch sử sẽ là những tác phẩm cuối cùng trong đời văn của ông, mặc dù Hoài Anh luôn “thú nhận” thể loại ông thích nhất vẫn là thơ.
“Nhưng không sao cả, tiểu thuyết là thể loại có khả năng dung chứa tất cả: thơ ca, khảo cứu, phê bình, tiểu luận… Thêm nữa, tiểu thuyết chuyển tải tốt nhất cảm giác sống, những trăn trở nhân tình thế thái, mà càng sống lâu con người ta càng thấm…” – Hoài Anh tâm sự.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn