I/ Bản thân câu chuyện là một cái gì quá đỗi thương tâm. Bởi Janey đã phải chịu đựng cha dượng từ tuổi lên bốn cho đến tận khi đã lập gia đình ở tuổi đôi mươi, không cách gì thoát khỏi tù ngục bao la mà Richard đã trùm lên tất thảy những không gian cô có thể nương náu. Từ tên gọi miệt thị “đồ con hoang Pakistan”, từ việc thường xuyên bị khạc nhổ vào đĩa và bắt phải ăn sạch, bị đánh đập bằng tay, bằng dép hay bằng gậy, bị nhốt vào tủ nóng, bị dìm nước, chẹt gối, trùm bao đến nghẹt thở…, đến trò lạm dụng đầu tiên ngay tuổi lên bốn, khi phải nhắm mắt “chơi đùa với ngón tay cái” của Richard, Janey đã bị đẩy vào tình cảnh mất hết khả năng ứng phó, chỉ còn cách đầu hàng những trò ma quỷ của Richard. Người duy nhất có thể bảo vệ Janey là mẹ cô, thì hoặc phải giả ngơ, họa hoằn lắm định vùng lên thì bị đánh đập tan tác, đủ để không còn dám mơ tưởng chuyện tháo cũi sổ lồng. Những trò bạo hành tình dục biến thái bệnh hoạn của Richard đã biến cuộc sống của Janey thành một chuỗi dài khủng khiếp và ô nhục. Không chỉ ở nhà, trong phòng, trong nhà kho, trên gác xép…, Richard buộc Janey phải phục vụ mình ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào: trên xe, trong rừng, trên đường đi, ở nhà người khác… Richard còn đi xa hơn, muốn Janey hoàn toàn mất hết lòng tự trọng, qua việc bắt cô phải đi xin xỏ, lấy cắp của hàng xóm, phải đánh nhau với bất cứ ai, tập cho cô thói nghiện thuốc lá và khuyến khích cô sinh hoạt tình dục với bạn trai ngay ở tuổi mười sáu. Richard đã đẩy Janey vào việc hết từ bỏ bạn trai, lại từ bỏ cả người chồng yêu thương để chỉ còn là thứ nô lệ khốn khổ và tuyệt vọng của anh ta. II/ Vấn đề mà cuốn tự truyện này đặt ra cho người đọc là, tại sao mọi chuyện lại có thể kéo dài như vậy? Tại sao suốt mười bảy năm, Janey lại phải một mình chịu đựng như thế? Câu trả lời là, vì chính Janey đã tự cấm mình tiết lộ mọi thứ: cô quá khiếp sợ. Cô tin chắc rằng, chỉ cần lộ chuyện ra, thì cả cô và mẹ sẽ bị Richard giết chết, bởi Richard là loại người mà không ai có thể chống lại. Bằng cung cách của một kẻ mắc bệnh bạo dâm trong tình dục và cả trong đời sống, Richard đã tiêu diệt ngay từ trong trứng những mầm mống phản kháng từ phía Janey. Ở trường, Janey được thầy yêu bạn mến, ra đời, cô được đồng nghiệp tin cậy quý trọng, nhưng khi đứng trước Richard, cô chỉ là con sâu cái kiến, hoàn toàn bị tiêu diệt về mặt con người, tự thấy rằng việc phục tùâng Richard là điều hiển nhiên không thể khác. Richard đã hết sức thành công trong việc buộc con mồi phải luôn tự nạp mình. Nhưng cũng chính sự tự tin thái quá, sự tác oai tác quái vô giới hạn của Richard đã đẩy Janey vào chân tường, buộc cô phải vùng lên chống lại. Lúc đó Janey đã hai mốt tuổi, đã lấy chồng lần thứ hai, có đứa con gái thứ hai, và đã chạy trốn khỏi Richard được một thời gian. Vậy mà phải mất thời gian mấy năm, sau khi đã trải qua chứng nghiện rượu, đã tự tử không thành, và phải được chữa trị về tâm lý, Janey mới có đủ tự tin để đứng ra tố cáo Richard trước pháp luật. Ngay khi đã đối mặt với Richard trước tòa án, trong Janey vẫn tràn đầy hoang mang: “Nếu những người trong bồi thẩm đoàn cũng đã từng làm những điều tương tự với con cái của họ như Richard đã từng làm với tôi thì sao? Nếu thẩm phán hoặc những viên luật sư cũng đã từng làm như vậy thì sao?”. Mất lòng tin vào chính mình, mất lòng tin vào cả cộng đồng, chấp nhận nô lệ cho cái ác, đó là những gì đáng sợ nhất mà Richard gây ra cho Janey. Cuốn tự truyện của Jane Elliott đã trở thành sách best seller ở Anh, mang lại cho tác giả những cải thiện đáng kể trong đời sống. Nhưng cái giá phải trả cho nó cũng không hề nhỏ: Jane đã bị hành hung bởi chính những người ruột thịt trong gia đình, sau khi Richard bị kết án tù. Và cho đến tận bây giờ, cô vẫn phải tiếp tục che giấu lý lịch thật, tránh cho các con những phiền toái từ phía bạn học và hàng xóm, bởi đã có một người mẹ với một quá khứ đầy bóng đen như thế. Ngô Thị Kim Cúc |