Với tên gọi Tiểu thuyết đàn bà, tác phẩm mới nhất của Lý Lan chất chứa nỗi niềm và thân phận của nhiều thế hệ đàn bà trong cùng một dòng họ. Không có sự đầm ấm trong trái tim những người đàn bà ấy. Cũng không có cả sự bình yên. Họ sinh ra cho những ngăn cách, rủi ro, trớ trêu, bất hạnh… Họ không biết thế nào là hạnh phúc, dù là hạnh phúc trong gia đình lớn với những người cùng huyết thống hay hạnh phúc trong gia đình nhỏ với người đàn ông của riêng mình. Không có người đàn ông – điểm tựa dành cho họ. Họ sinh ra và bước trên đôi chân của mình, đi tới nơi mình phải tới và làm những gì mình phải làm. Không có sự chia sẻ, ngay cả sự cảm thông từ phía người đàn ông. Cái gì khiến cho cuộc sống người đàn bà lẽ ra dịu êm, an lành lại trở nên như thế? Bằng một giọng văn lạnh và được tiết chế, Lý Lan đã để mạch truyện trải ra trên trang sách một cách chừng mực. Có cảm giác nhiều lúc chị đã ngăn mình đừng dấn quá sâu vào cuộc đời nhân vật. Như thể chị dành một phần không gian cho người đọc tự lấp vào. Và như vậy, đòi hỏi người đọc phải có đủ trải nghiệm để đồng cảm và thấu cảm với cả nhân vật lẫn tác giả. Một bà Tổ mọi đơn độc trong rừng sâu, bất chợt bị hút vào một con đực cũng đơn độc như mình, để rồi thai nghén, sinh đẻ và cuối cùng, bám theo cha của con mình khi ông bỏ rừng về kinh, và một mình viết phần mở màn cho lịch sử của dòng họ khi người đàn ông chết vì tuổi già. Một bà Ngoại cả cuộc đời đơn lẻ cứ hát đi hát lại những bài hát ru não nuột với đám cháu gái và cho đến tận phút cuối đời vẫn không thể dứt khỏi ước muốn lớn nhất: đi tìm con trai để hỏi về cháu gái. Một Thoa – nhà văn đang loay hoay toan tính viết lại câu chuyện về dòng họ như một phần ghi chép lịch sử cộng đồng, và cũng là cách để thoát khỏi những trì níu, ray rứt, dằn vặt, vì thực tế không hề giống với điều mà con người, nhất là người đàn bà, hình dung và mơ ước. Một Không Bé cứ tưởng đã chạm vào cánh cửa hôn nhân của tình yêu thì chỉ cần một phút chốc sơ sẩy, tất cả bỗng đổ ụp đến mức hầu như vô phương cứu vãn… Một thế giới đàn bà bị đàn ông bỏ mặc và phải tìm cách tự giải quyết mọi chuyện theo cách của đàn bà. Một ông Tổ đã hiến mình cho cuộc chiến trung quân và không còn thời gian để thực hiện những dự định cho đời riêng, nếu quả thật ông cũng có những dự định. Một cậu Hai quá quyết tâm với lý tưởng cách mạng nên không thể phân thân để đáp lại tình cảm gia đình, và vì thế trở nên quá cách vời với những người ruột thịt dưới cùng một mái nhà. Một ông Năm như từ trên trời rơi xuống gia đình bà Ngoại và góp phần chính gây ra bi kịch lớn nhất cho những người đàn bà dòng họ này. Một mối tình lãng mạn và bi tráng của những bạn tù chung lý tưởng đã không đủ sức vượt qua những thử thách tàn nhẫn thời hậu chiến, để có thể đi đến hồi kết lẽ ra phải đẹp đẽ và cao cả hơn hẳn những gì xảy ra trong đời thực. Một Ted – công dân Mỹ yêu vợ như yêu một vật sở hữu nhỏ bé đã không hề hay biết rằng Betty không chỉ là Betty mà còn là Không Bé, cô gái đã nối dài một dòng họ đàn bà bất hạnh và không đủ lòng tin để đặt tương lai mình vào tay một người đàn ông, ngay cả người đàn ông mình say mê… Suốt tiểu thuyết là những cuộc đời nối dài những cuộc đời, những bất hạnh đặt kề những bất hạnh. Những người đàn bà này cả cuộc đời phải chịu thử thách, phải đợi chờ và cuối cùng, hứng chịu bất hạnh. Dù bà Tổ mọi, bà Ngoại, các dì, dù Thoa, Liễu, Không Bé hay chị Đen…, vẫn chỉ khác nhau ở tiểu tiết, và vẫn giống nhau ở cùng bi kịch: làm đàn bà trong một đất nước chiến tranh. Chiến tranh nghĩa là phân ly, thù hận, chết chóc… Nghĩa là người ta đánh mất mình, bị giết hoặc không được sống để thương yêu. Người ta thất lạc nhau trong cuộc đời rộng lớn, hận thù rộng lớn. Người ta cũng có thể thất lạc nhau dưới cùng một mái nhà. Và thất lạc chính mình ngay trong cuộc đời của riêng mình. Đi tìm nhau và đi tìm chính mình, đó là những người đàn bà của Lý Lan trong Tiểu thuyết đàn bà. Có vẻ như chị đã sẵn sàng cho một kế hoạch tiểu thuyết tiếp theo.
Ngô Thị Kim Cúc |