Giới thiệu sách Khảo Luận Về Tết
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sinh năm 1952, là nghiên cứu viên của Phân Viện Văn hóa nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh nay đã về hưu. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, văn hóa dân gian Nam Bộ như Hát sắc bùa Phú Lễ, Ông Địa – tín ngưỡng và nghi lễ, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần… Từng tham gia giảng dạy tại các trường trung học văn hóa, trường nghiệp vụ Sông Bé, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp và trường Cao đẳng Văn hóa (Thủ Đức)
Tết Nguyên đán là lễ Tết cổ truyền, thiêng liêng và trọng đại của dân tộc ta, chính vì vậy nên được gọi là Tết cả. Tầm mức quan trọng của Tết bắt rễ sâu xa trong tinh thần và tình cảm của người dân là tất thảy đều coi Tết là thời điểm thiêng nối kết trời với đất, cõi âm với cõi dương, lịch đại tổ tiên với con cháu hiện tồn và hơn hết thảy là nối kết sợi dây tình cảm thân ái với gia đình, gia tộc, với bạn bè thân hữu, với láng giềng chòm xóm, với cộng đồng xã hội…
Tác phẩm Khảo luận về Tết giải thích nguồn gốc các phong tục ngày Tết chủ yếu ở ba miền Bắc, Trung, Nam như các tập tục viết câu đối và chơi chữ, các tập tục kiêng kỵ đầu năm, tục xông đất, tiễn ông Táo về trời, các nghi lễ tế tự ngày Tết từ thời Trần đến thời Nguyễn ra sao… tất cả đều được tác giả diễn giải cẩn thận, dễ hiểu.
Khảo luận về Tết giúp bạn đọc hiểu thêm Tết Nguyên đán vốn được bắt đầu từ việc thực hành lễ Nguyệt sóc (ngày Mùng một), nhưng vì đó là ngày đầu tiên của năm nên được đặc biệt coi trọng. Tết còn biểu hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh, theo góc độ mối quan hệ giữ con người và thiên nhiên, Tết đánh dấu thời điểm thay cũ đổi mới của chu kỳ thời tiết khí hậu thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện sự luân chuyển lần lượt các mùa xuân hạ thu đông, mang ý nghĩa đặc biết đối với xã hội nông nghiệp. Tết còn đáp ứng nhu cầu xã hội mà theo tác giả “Tết là dịp liên kết các thành viên của gia đình, gia tộc và mở rộng ra chòm xóm, cộng đồng, thân hữu. Một mặt, nó có hiệu năng hòa giải tạm thời những điều trái ngược/xung đột, củng cố và tân trang các mối quan hệ, khắc phục sự cô đơn của từng người bằng hơi ấm của tất cả. Đồng thời, Tết là dịp thư giãn, gác lại sự bon chen danh lợi để nghỉ ngơi, giải trí – để cùng nhau tham dự vào các trò chơi, trò diễn, các cuộc tiệc, những bữa ăn tập thể thân tình”.
Đọc Khảo luận về Tết để thấy, để cảm nhận Tết Nguyên đán là một phong tục tốt đẹp mà nhân dân ta còn duy trì, lưu giữ như một nét sinh hoạt văn hóa mang những giá trị truyền thống trong nhịp sống hiện đại.
Mời bạn đón đọc.