Như ta đã biết, báo chí và văn học miền Nam đã có từ lúc chữ quốc ngữ mới định hình. Tuy nhiên, những tác phẩm, tác giả thuở ban đầu ấy đã bị khuất lấp trong định kiến "miền Nam không có văn học", vì thế công sức của lớp người đi trước ít được người sau biết tới. Do đó, khi viết tập sách này, tác giả hy vọng có thể "tìm lại công bằng" cho văn học Nam kỳ thời kỳ đầu, từ năm 1865 đến thập niên đầu thế kỷ XX.
Nhà báo Trần Nhật Vy đã dành nhiều thời gian, công sức để sưu tầm, nghiên cứu về sự ra đời của chữ quốc ngữ với nguồn tư liệu dồi dào và ghi nhận báo chí, văn học miền Nam phát triển qua bao thăng trầm, sóng gió như thế nào. Chính quyền thực dân Pháp đã buộc người Việt ở Nam kỳ "phải dùng chữ quốc ngữ" từ năm nào? Đọc Chữ quốc ngữ 130 năm thăng trầm, ta biết:
"Xét rằng chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin ngày nay đã khá phổ thông trong các tỉnh Nam kỳ, là thứ chữ dễ học hơn chữ Nho và tiện lợi nhiều so với chữ Nho trong việc làm cho những giao dịch giữa các quan cai trị với dân bản xứ được trực tiếp hơn. Xét rằng việc dùng hợp pháp thứ chữ đó chỉ làm cho dân chúng dễ đồng hóa với chính quyền ta, và vì thế thật là một đường lối chính trị tốt nếu bắt buộc dùng nó trong các giao dịch chính thức. Tuy nhiên, xét rằng một cải cách quan trọng như thế không thể thực hiện được ngay tức khắc, và để thực hiện nó cần có sự cộng tác của những tầng lớp lãnh đạo trong dân chúng. Chiếu đề nghị của quyền giám đốc nội vụ, sau khi hội đồng tư vấn đã được hội ý kiến, nay ra nghị định:
Điều 1: kể từ ngày 1-1-1882 tất cả những văn kiện chính thức, nghị định, quyết định, sắc lệnh, phán quyết, chỉ thị…sẽ được viết, ký và công bố bằng chữ mẫu tự Latin.
Điều 2: kể từ ngày trên, không một tuyển dụng nào được thi hành, không một thăng trật nào được cho phép, trong ngạch phủ, huyện, tổng đối với bất cứ ai không ở trong tình trạng viết được chữ quốc ngữ".
Nội dung quan trọng này nằm trong nghị định ra ngày 6-4-1878 "về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin" do thống đốc Nam kỳ Lafont ký.
Không dừng lại đó, tác giả còn quay ngược về năm tháng hình thành của chữ quốc ngữ thuở mới phôi thai. Qua tập sách này ta biết rằng, sáng tạo ra chữ Việt là công trình của nhiều người với mục đích ban đầu chỉ để truyền đạo. Tất nhiên, những sáng tạo của các giáo sĩ phương Tây không thể không có sự góp phần của người bản xứ.
Nhằm giúp bạn đọc có thể hình dung ra văn phong báo chí, văn học, tác giả đã trưng ra nhiều chứng cứ từ tờ Gia Định báo; hoặc một vài văn kiện bằng chữ Quốc ngữ tàng trữ tại châu Âu, truyện Thầy Lazaro Phiền in năm 1887, rồi sau đó là "truyện ta ảnh hưởng truyện Tàu và tiểu thuyết Tây phương", có thể kể đến Chồn cáo tự sự (Michel Tình – 1910), Kim thời dị sử (Biến Ngũ Nhi – 1917), Lương Hoa truyện (Nguyễn Khánh Phương 1907), Phan Yên ngoại sử (Trương Duy Toản – 1910), Truyện ông Gioan (Ngô Kim Thạch – 1916), Ai làm được (Hồ Biểu Chánh – 1912) v.v…
Có thể nói tập sách Chữ quốc ngữ 130 năm thăng trầm có nhiều tư liệu cần thiết dành cho những ai quan tâm đến văn hóa nước nhà, nhất là văn học của miền Nam đầu thế kỷ XX.
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu ngày 24/10/2013)
T.V
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn