Giới thiệu sách Kinh Hiền – Hội Hoa Đàm
Quả tình, tôi rất ái ngại khi Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tôi có mấy lời nhân lần tái bản thứ hai thi phẩm lục bát Kinh Hiền – Hội Hoa Đàm của Phạm Thiên Thư. Sở dĩ như vậy là vì ở đầu sách đã có hai bài giới thiệu và một bài tựa của ba vị cố Đại lão của Phật giáo Việt Nam, HT. Thích Tâm Giác, HT. Thích Huyền Vi và HT. Thích Thanh Kiểm. Mặt khác, Phạm Thiên Thư là nhà thơ mà từ hơn bốn chục năm qua, được giới phê bình văn học và rất nhiều người yêu thơ ca ngợi, nay tôi dù có thêm biểu cảm đồng tình thì cũng là thừa. Hơn nữa, nếu nói về tình thân "pháp lữ" thì đó cũng là chuyện riêng tư, không đáng để đưa ra công chúng. Thế rồi sau khi đắn đo, cuối cùng tôi lại viết mấy dòng này bày tỏ đôi chút đồng điệu của một người tu Phật, lại có lòng yêu thơ và mến phục tác giả.
Tôi nghĩ Phạm Thiên Thư đã chuyển thơ từ bản Việt dịch kinh Hiền Ngu của HT. Thích Trung Quán gồm 7 quyển, 46 bài từ bản dịch chữ Hán của Sa-môn Tuệ Giác đời Nguyên Ngụy gồm 13 quyển, 69 bài từ Phạn bản là Damamuka Nidana Sutra thuộc Tạp tạng (Sayukta Nipata). Kinh Hiền Ngu, gọi đủ là Hiền ngu Nhân duyên kinh, là một bộ kinh bao gồm gần như toàn bộ những yếu pháp của giáo lý Phật giáo: Vô thường, duyên khởi, nhân quả, Bồ-tát hạnh với nỗ lực tu hành cao độ, từ bi, trí tuệ, nhẫn nhục, tinh tấn… Tất cả được trình bày trong bối cảnh thời tiền thân Đức Phật và lúc Ngài còn tại thế, chủ yếu qua những câu chuyện mang tính chất bình dân, dễ hiểu, dễ phổ biến. Kinh diễn tả lý bằng sự, trong sự bao hàm lý; lý sự, sự lý viên dung, lại phù hợp với mọi trình độ người đọc.
Việc chuyển ý kinh ra thể thơ lục bát của Phạm Thiên Thư hình như là một biệt tài, một sở thích, một yêu cầu mang tính bổn phận của người con Phật, lại hình như là một nhu cầu làm thơ. Trong 5 năm đầu của thập kỷ 70 của thế kỷ trước, anh đã chuyển kinh thành thơ: Kinh Ngọc, Kinh Thơ, Kinh Hiếu và riêng Kinh Hiền với 12.062 câu lục bát.
Anh yêu thơ và làm thơ trong khi còn là một Tỳ-kheo ở chùa Vạn Thọ – Sài Gòn. Anh giao tiếp, thân thuộc với nhiều văn nhân, thi sĩ, học giả và nhất là những người đồng điệu trong giới Phật học. Cũng hơn bốn mươi năm trước, nhiều lần nhà thơ Trụ Vũ, anh và tôi trong những lần gặp gỡ, thường ước mơ có một nhà xuất bản lớn, in thật nhiều sách văn học (bấy giờ anh Trụ Vũ đã có nhà xuất bản Nến Hồng, nghèo, nhỏ, nhưng cũng gây được tiếng vang tốt) và lập Hội thơ Ba miền. Năm 1968, Phạm Thiên Thư cho ra đời tập Thơ Phạm Thiên Thư, có lẽ cũng là thể hiện ước mơ đó, và đến nay vẫn chỉ là ước mơ. Liên tiếp khoảng mười thi phẩm nữa ra đời, anh đã trở thành nhà thơ nổi tiếng được đông đảo độc giả ái mộ. Nhà thơ và là tu sĩ ấy yêu Đạo, yêu người, yêu thiên nhiên. Tình yêu nhẹ nhàng mà thâm thiết, trong sáng và lãng mạn, được thể hiện một cách tài tình qua những dòng thơ lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn… Có lẽ do vậy mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc khá nhiều bài thơ của anh: Ngày xưa Hoàng Thị, Động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu, Em lễ chùa này, và Mười bài Đạo ca… Trong khoảng hơn mười tám thi phẩm đã in của anh, có lẽ Đoạn trường vô thanh được giải thưởng "Văn học Toàn quốc" năm 1972 với 3.254 câu lục bát, tiếp ý từ Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là tác phẩm gây ấn tượng nhất của Phạm Thiên Thư thời bấy giờ. Qua những vần thơ đẹp, tác giả đã khéo léo đưa tư tưởng Phật giáo vào tác phẩm của mình: Khổ, không, vô ngã… Tôi nghĩ đây là tác phẩm về Đạo, về đời, xoa dịu những u uất, khổ đau để khuyến khích người ta đi tiếp đường đời bằng thái độ ung dung tự tại trong ý nghĩa chữ Không…
Xin được nói thêm đôi chút về Kinh Hiền. Vì diễn ý từ một bộ kinh Phật nên nội dung là nội dung của kinh như tôi đã giới thiệu khái quát trên đây. Tôi xin nêu dẫn vài chỗ về hình thức diễn đạt của tác giả. Đó là sự thể hiện tính chất của thi ca, êm ái, nhẹ nhàng, bồng bềnh, gợi cảm trong nghệ thuật tả cảnh lộng ý mà ta thấy trong những câu thơ chen vào câu chuyện kể.
Cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, tinh khiết, nơi tu hành của chư Tăng:
Suối mừng cất tiếng nao nao
Sương mừng rơi ướt hạt nào long lanh
Dưới bờ dương liễu rờn xanh
Chúng Tăng tịnh mặc kinh hành đạp hoa.
(Ngọc nở thành sen)
Vẫn là cảnh của người tu ở núi rừng thanh vắng. Bút pháp khiến ta liên tưởng đến thơ của Nguyễn Du:
Một vùng cây cỏ thâm u
Suối reo biêng biếc, chim gù hắt hiu
Hoa theo bướm lượn dập dìu
Sườn non ai bắc nhịp cầu uốn quanh.
(Hạnh nhẫn nhục)
Lời thơ có lúc mang ý vị của một bài cổ thi:
Lần hồi ngày tháng qua đi
Rừng phong thoảng đã mấy kỳ vàng đưa.
(Nhân quả chẳng dời)
Xin nói thêm một ý nữa. Thơ đẹp, nhẹ nhàng, thanh thoát, nhưng có chỗ cũng mạnh mẽ, hùng tráng như lời quyết tâm, thúc giục và hy vọng qua tư tưởng Phật giáo: Hình ảnh người luyện kiếm, cây kiếm đây là cây gươm trí của Bồ-tát Văn Thù, diệt phiền não, phá vô minh, trừ tà kiến, si mạn, xoá phân biệt nhân ngã, quyết tạo trí tuệ, từ bi, bình đẳng:
Phá bờ nhân, ngã dưới, trên
Muôn loài như thể một thân khác gì
Sạch lòng tà kiến, mạn si
Chung xây quốc độ trí bi đại hòa.
(Luyện kiếm độ đời)
Nghệ thuật diễn đạt tài tình này có thể được tìm thấy rất nhiều chỗ trong Kinh Hiền và trong tất cả các thi phẩm khác của tác giả. Vì khuôn khổ bài viết, tôi không thể nêu hết những chỗ đắc ý của tôi về sự diễn đạt này.
Tôi rất vui vì Kinh Hiền được tái bản lần thứ hai và xin chúc mừng tác giả. Mong sao thi phẩm này một lần nữa được phổ biến đến những ai hữu duyên để cùng Phạm Thiên Thư cảm nhận sâu lắng về thể tánh đại hiền của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni.
Tịnh xá Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh
Mùa An cư, PL 2556, DL. 2012
HT. THÍCH GIÁC TOÀN
Mời bạn đón đọc.