Giới thiệu sách Kịch
Mặc dầu không dành nhiều thời gian cho kịch, nhưng Vũ Trọng Phụng cũng viết được 8 vở: 2 vở dài: Không một tiếng vang, Tài tử và 6 vở ngắn: Cái chết bí mật của người trúng số độc đắc, Lễ tết, Tết cụ cố, Chín đầu một lúc, Phân bua, Hội nghị đùa nhả và dịch vở kịch Giết mẹ của Victor Hugo. Vũ Trọng Phụng viết đủ loại: bi kịch, hài kịch, bi hài kịch. Cuốn sách này sẽ giới thiệu cả 8 vở kịch của ông.
Kịch của Vũ Trọng Phụng thể hiện chủ đề chính là đồng tiền, đồng thời cũng phơi bày một hiện thực xã hội đầy dẫy những điều chướng tai gai mắt, vô lý, đáng nực cười của cái xã hội thực dân, phong kiến, như: Chính sách thuế thân kỳ cục, về việc bài trừ nạn thuốc phiện một cách giả hiệu, tòa án xử kiện nhố nhăng…
Có thể nói, tác giả, qua những số phận, những mối quan hệ, những cách hành xử trong gia đình, xã hội, trong các vở kịch để nói lên sự thao túng của đồng tiền, để nguyền rủa, lên án cái xã hội đồng tiền, không có lối thoát cho những người lao động muốn sống lương thiện.
Ở Không một tiếng vang, chỉ vì không có tiền mà một gia đình lâm vào tình trạng cùng quẫn, bế tắc, cuối cùng dẫn đến một kết cục bi thảm. Tài tử là vở kịch đả kích cả những người trong ban kịch, chỉ trừ một vài người yêu nghề, còn lại chỉ chạy theo đồng tiền. Cái chết bí mật của người trúng số độc đắc nói về một người trúng số 10 vạn đồng mà chỉ vì xem cái ảnh mình trong thẻ thuế thân thấy xấu quá, trong khi lại nghi ngờ, không tin cả cái gương, vì cho rằng có tiền cái gương cũng biết nịnh hót nên đã tự tử…