10 nhà báo thuộc nhóm phóng viên lâu năm của Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã tích lũy những kinh nghiệm làm báo quý giá của mình trong tập sách 'Nhà báo viết về nghề báo'. Sách vừa được phát hành trên toàn quốc.
Bài viết đầu tiên trong tập sách là của nhà báo Trần Ngọc Châu (bút hiệu Ngọc Quyên, David Tran), tiến sĩ ngành báo chí truyền thông, công tác tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn từ năm 1991 và hiện là phó tổng biên tập của báo này. Với một dẫn đề ngắn gọn và giản dị, Trần Ngọc Châu tâm sự, bài viết của ông giống như một lá thư viết cho các nhà báo trẻ yêu nghề và can đảm.
Với kinh nghiệm sâu sắc về nghề trên phương diện lý thuyết lẫn thực tế, Trần Ngọc Châu viết Huyền thoại về nghề bằng tất cả tâm huyết của ông. Nghề báo có bao nhiêu huyền thoại? Lịch sử làng báo thế giới ghi nhận sự tồn tại của Huyền thoại "nhanh nhất", Huyền thoại về tính dự báo, Huyền thoại về phóng viên chiến trường, Huyền thoại về tăng vọt số lượng… Từ những dẫn chứng cụ thể về các huyền thoại được ghi nhận, Trần Ngọc Châu mở rộng và phân tích thêm những "ngộ nhận" và cách nhìn nhận về hoạt động báo chí thực tiễn đang diễn ra trong nước.
Trong bài viết ngắn gọn, Trần Ngọc Châu chỉ ra khá rõ ràng về tính công dân của một nhà báo viết những bài đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội. Ông kết luận: "Nếu chúng ta thực sự tin rằng sức mạnh của bài báo nằm ở chỗ cứu cánh là phục vụ con người trong cộng đồng thì, dù cho những bài chống tiêu cực có kết luận đả kích mạnh mẽ nhất, cũng có thể nhìn thấy được một tinh thần xây dựng xuất phát từ tính 'công dân' của nhà báo".
Trong một bài viết khác, nhà báo Công Thắng (bút hiệu Công Thắng, Thư Hoài) lại Bàn về chuyện chữ nghĩ trên báo. Chữ nghĩa là một trong những công cụ để nhà báo chuyển tải thông tin đến độc giả, vì thế ông cho rằng "…yêu cầu trước nhất đối với công việc viết báo là phải sử dụng từ ngữ chính xác, viết đúng văn phạm, diễn đạt lưu loát mạch lạc". Yêu cầu này có vẻ như là một điều hiển nhiên, không cần đặt ra. Thế nhưng, một điều cần phải nói là, thực tế, trên các mặt báo ngày nay, việc dùng từ sai, câu què cụt, dùng quá nhiều từ nước ngoài, sai chính tả…. đang tràn lan.
Công Thắng kết luận "Chữ nghĩa vô tình có thể làm tổn thương người khác". Chính vì thế, trau dồi vốn từ ngữ mẹ đẻ, ngôn ngữ ruột thịt cũng là một trách nhiệm lớn lao của nhà báo hôm nay.
Dù có nhiều cách viết khác nhau, cách chọn đề tài khá tự do, xoay quanh nhiều vấn đề từ đến lớn nhỏ, từ chuyện "bếp núc" đến chuyện thời sự, các bài viết trong Nhà báo viết về nghề báo đều chú trọng đến tính thiết thực, cố gắng đi sát thực tế hoạt động của nghề, thiên về thực hành hơn là lý thuyết sách vở. Và các bài viết cũng mang đậm dấu ấn kinh nghiệm nghề nghiệp riêng của từng tác giả.
Chính vì thế, cuốn sách không chỉ là cẩm nang bổ ích cho những ai muốn dấn thân vào nghề báo mà còn cho cả những người ngoài nghề muốn tìm hiểu thêm về công việc thú vị này.
Thoại Hà
(Nguồn: Báo Vnexpress)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn