- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Cuốn sách “thế mà là nghệ thuật ư?” của Cynthia Freeland nhìn một cách nào đó, chính là một trong những thực hành thuộc mô hình giáo dục xã hội hoá nghệ thuật. Trong suốt hơn 200 trang sách, ngắn gọn và cô đọng, được viết với một văn phong trong sáng và thông tuệ, cả một lịch sử dài các khái niệm về nghệ thuật, không chỉ của riêng phương Tây, mà còn từ phương Đông, đã được điểm qua và phân tích.
Qua cuốn sách, người đọc chúng ta sẽ có một cái nhìn rõ ràng và có lẽ sẽ phần nào được cắt nghĩa rằng, khái niệm về nghệ phẩm và nghệ thuật, theo thời gian, đã phát triển để không chỉ còn là một khái niệm thuộc về cái Đẹp, khơi gợi thẩm mỹ, mà còn là một công cụ nhận thức, qua đó, phản chiếu các biến cố, các thông điệp xã hội, chính trị của nghệ sỹ.
Một đặc điểm của cuốn sách này là, khi đề cập tới sự phát triển của các khái niệm ấy trong những hệ thống lý thuyết đóng – mà còn liên đới chung tới các hệ thống ngoại vi về mặt xã hội và chính trị, song có quan hệ chặt chẽ tới sự hình thành và khai triển các khái niệm ấy, trong đó có hệ thống các định chế nghệ thuật – như bảo tàng và các bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân, hoặc hệ thống các khái niệm và biến cố về chính trị, khoa học, xã hội – như sự phát triển của ngành khoa học nhận thức, của Nữ quyền luận, của quan điểm Hậu Thực dân, v.v… Nói cách khác, bằng một tiếp cận mang tính nhân học, cuốn sách này đã liên đới nghệ thuật với tất cả những yếu tố ngoại vi mà nó cho là có tác động tương tác tới những cuộc chuyển hoá của chính khái niệm nghệ thuật.
– “Tôi chưa từng thấy một tác phẩm nào uyển chuyển và tự tin đến thế, khi dấn bước vào các vùng chiến địa của nghệ thuật và xã hội ngày nay như tác phẩm này” – Arthur. C. Danto
– “Thật là một cảm giác khoan khoái và thoả mãn sâu sắc… với giọng điệu lôi cuốn và đầy nhiệt huyết, Freeland đã tận tình chỉ dẫn cho người đọc, chưa nói đến cách tổ chức các ví dụ hấp dẫn đến kinh ngạc giúp minh hoạ và làm sinh động sự tường giải của bà” – Don Bacigalupi, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật San Deigo
Mục lục:
Vài lời của người dịch
Lời cảm ơn
Danh mục phụ bản màu
Danh mục phụ bản đen trắng
Dẫn nhập
Chương 1: Máu và cái đẹp
Chương 2: Các hệ hình và mục đích
Chương 3: Các giao cắt văn hoá
Chương 4: Tiền bạc, thị trường, bảo tàng
Chương 5: Giới tính, thiên tài và các Nữ du kích
Chương 6: Nhận thức, sáng tạo, thấu tỏ
Chương 7: Số hoá và sự truyền bá
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Đọc thêm
Bảng chỉ mục
Mời bạn đón đọc.
Thế mà là nghệ thuật ư?
Tiến trình của cuốn sách này: Từ một chiến thuật gây shock với những viện dẫn về thế giới nghệ thuật, những chất liệu bị coi rùng rợn của hiện tại (máu, da người, nước tiểu…)
Tiến trình của cuốn sách này: Từ một chiến thuật gây shock với những viện dẫn về thế giới nghệ thuật, những chất liệu bị coi rùng rợn của hiện tại (máu, da người, nước tiểu…), tác giả lần lượt đi “giải shock” bằng cuộc trở về với những quan niệm truyền thống xa xưa, các nền văn hoá khác nhau để cho thấy nghệ thuật không hẳn cứ là phải đẹp (hay đèm đẹp như chúng ta đang hỏi đòi); tường giải tại sao nghệ thuật có giá trị, vì sao nó được quan tâm, tác động của những bối cảnh trưng bày; liệu có sự đặc biệt nào đó trong tâm thế sáng tạo và sự thầm kín của đời sống nghệ sĩ; luận giải việc khó khăn cốt tử của lý thuyết nghệ thuật đó là điều giải nghĩa của nghệ thuật thông qua diễn giải; và chương cuối, cuốn sách đặt vấn đề về việc chúng ta viếng thăm các gallery, bảo tàng ảo, việc tiếp cận nghệ thuật từ phương tiện số đã can thiệp thế nào đến sự tiếp nhận, tương tác với các sáng tạo nghệ thuật… Những lý thuyết: hành lễ, mô phỏng, hình thức, biểu lộ, nhận thức, hậu hiện đại… được trình bày như những chìa khoá hiểu biết giúp bạn đọc hiểu và mở rộng tầm nhìn về nghệ thuật, ý nghĩa nghệ thuật, nhất là giải mã được cách làm/ thực hành nghệ thuật đương đại, một lĩnh vực khiến nhiều người bị các lý thuyết tất định luận hành hạ đầu óc, hay bĩu môi trước những nghệ phẩm đương đại và phủ nhận: “Thế mà là nghệ thuật ư?”. Cuốn sách là một nỗ lực đại chúng hoá triết học nghệ thuật, cần thiết cho môi trường sách lý thuyết nghệ thuật kinh điển lẫn đương đại đều còn quá khan hiếm như ở Việt Nam.
(Nguồn: Báo SGTT)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Ra mắt tác phẩm "Thế mà là nghệ thuật ư?"
“Nghệ thuật là gì, nó có ý nghĩa gì và tại sao chúng ta lại coi trọng nó?” – Đó là nội dung cuốn sách Thế mà là nghệ thuật ư? (tựa gốc But is it Art?) của nữ tác giả Mỹ Cynthia Freeland vừa được dịch giả Như Huy chuyển ngữ và được NXB Tri Thức phát hành trong tháng 4 này.
“Nghệ thuật là gì, nó có ý nghĩa gì và tại sao chúng ta lại coi trọng nó?” – Đó là nội dung cuốn sách Thế mà là nghệ thuật ư? (tựa gốc But is it Art?) của nữ tác giả Mỹ Cynthia Freeland vừa được dịch giả Như Huy chuyển ngữ và được NXB Tri Thức phát hành trong tháng 4 này.
Nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm, NXB Tri Thức phối hợp cùng Himiko Visual Cafe sẽ tổ chức buổi tọa đàm về nội dung và tính thiết thực của cuốn sách và những vấn đề mà lý luận nghệ thuật đương đại của Việt Nam có thể tham chiếu.
Đây là dịp để giới nghiên cứu, phê bình, lý luận nghệ thuật, các giảng viên, sinh viên, giới truyền thông cũng như người quan tâm đến nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật có thể tham gia vào một không gian trao đổi cởi mở về chủ đề lý luận nghệ thuật. Sau phần trao đổi của các diễn giả, buổi tọa đàm sẽ dành phần lớn thời gian cho ý kiến của giới chuyên môn và công chúng.
Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng là dịp để NXB Tri Thức giới thiệu Dự án Dịch sách Lý luận nghệ thuật đương đại (có cơ sở từ bộ sách The Art Seminar – Những thảo luận về nghệ thuật) với sự hợp tác của các nghệ sĩ, những người làm phê bình và các tổ chức văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước, nhằm xây dựng một hệ thống sách tham khảo về lý luận nghệ thuật cho độc giả Việt Nam, nhất là những độc giả hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Bùi Dũng
(Nguồn: Báo Thanh Niên)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Đọc sách "Thế mà là nghệ thuật ư?"
Tủ sách Dẫn nhập của NXB Tri Thức cuối tháng tư này đã được bổ sung thêm một cuốn sách tựa đề gây sốc, bìa sách cũng gây sốc: "Thế mà là nghệ thuật ư?" (TMLNTU) của Cynthia Freeland – Giáo sư triết học – ĐH Houston, Texas (Hoa Kỳ). Sách do nghệ sĩ Như Huy chuyển ngữ.
Tủ sách Dẫn nhập của NXB Tri Thức cuối tháng tư này đã được bổ sung thêm một cuốn sách tựa đề gây sốc, bìa sách cũng gây sốc: "Thế mà là nghệ thuật ư?" (TMLNTU) của Cynthia Freeland – Giáo sư triết học – ĐH Houston, Texas (Hoa Kỳ). Sách do nghệ sĩ Như Huy chuyển ngữ.
Lý giải vì sao "liều mạng" dịch một cuốn sách tuy ngắn, nhưng nhiều khái niệm, thuật ngữ như TMLNTU, nghệ sĩ Như Huy cho biết: "Tôi thấy hiện chúng ta còn rất thiếu sách về nghệ thuật đương đại. TMLNTU là một đề dẫn thông minh về lý thuyết nghệ thuật". Qua 7 chương, sách mang đến cho người đọc những cuộc gặp gỡ ngắn với một số lý thuyết cơ bản và mới nhất về nghệ thuật hiện đại hiện đang chi phối mặt bằng phê bình nghệ thuật phương Tây.
Một cách ngắn gọn, sinh động, tác giả Cynthia Freeland giải thích, vì sao trong nghệ thuật, sự cách tân của người nghệ sĩ và "tai tiếng" (không phải là những chuyện trong đời sống cá nhân nghệ sĩ!) luôn là những gì nổi lên hàng đầu,… Bằng những dẫn chứng đi từ các danh họa thế giới như Rembrandt, Goya, tới các nghệ sĩ đương đại được cho là nổi danh vì những tác phẩm "kỳ cục, chẳng giống ai" như Damien Hirst, cho tới những tượng thờ Phi Châu, mandala Tây Tạng,… Cynthia Freeland nói về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cái đẹp, giữa văn hóa – tiền bạc – tình dục – công nghệ mới…
Bà cho biết, bà viết sách không phải là để "tung hỏa mù" mà là để "người ta đọc và hiểu, rằng, lý thuyết nghệ thuật không giống với các lý thuyết khoa học; rằng bất chấp những khác biệt với khoa học, lý thuyết nghệ thuật được trình bày trong sách vẫn là một cuộc dấn thân mang màu sắc tường giải: Bao gồm các nỗ lực nhằm cơ ấu lại một sự đa dạng đến hoa mắt của các hiện tượng để rồi gắng sức tìm ra những điểm chung nào đó giúp chúng trở nên đặc biệt".
TMLNTU đã được đưa vào danh sách sách tham khảo bắt buộc cho sinh viên khoa Nghệ thuật học-Đại học KHXHNV TPHCM. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng: "Tác dụng lớn nhất cuốn sách là người đọc sẽ mở rộng tầm đón nhận các tác phẩm nghệ thuật, có thể hiểu hơn nghệ thuật đương đại. Trong phạm vi thế giới nghệ thuật hiện nay có sự tồn tại đồng hiện của nhiều khuynh hướng sáng tác và tiếp nhận khác nhau. Người ta thường không phải dị ứng với nghệ thuật đương đại, mà là dị ứng với những gì khác với mình-vẫn thường nghĩ, hay cho là đúng".
Điều thú vị và như ưu điểm của TMLNTU là những chú thích của người dịch. Sách dày 355 trang, một phần ba là chú thích. "Với mục đích phổ cập nghệ thuật dành riêng cho công chúng phương Tây, tác giả dường như mặc định, những kiến thức đã phổ biến, do đó, tác giả không chú thích. Trong khi đó, từ kinh nghiệm một người tự học như tôi, trong hoàn cảnh VN hiện nay, những kiến thức này với số đông người không phải là điều đơn giản. Chính vì thế, khi dịch sách, tôi cố gắng hết mức tìm cách chú thích" – NS Như Huy nói.
Thuỳ Ân
(Nguồn: Báo Lao Động)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn