- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Hơn 50.000 người lính đã tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Có người đã ngã xuống, có người thành anh hùng. Nhưng đông hơn cả là những người bình thường, quay trở về với gia đình, vợ con, quay về với trang sách hay mảnh ruộng, cái cày. Họ cũng là anh hùng nhưng họ lẫn trong đám đông, trong các phiên hiệu đơn vị. Họ chưa được và có thể không bao giờ được biết đến.
Họ là Nguyễn Ngọc Tân, sinh năm 1931, tiểu đội trưởng liên lạc của đơn vị đánh chiếm "Ụ thằng người" ở lưng chừng đồi A1; là Ðỗ Sâm, sinh năm 1931, chiến sĩ trinh sát E 45; là Ðặng Ðức Song, sinh năm 1934, tiểu đội phó, tổ trưởng trung liên E98, "dũng sĩ đồi xanh"…
Họ còn nhiều lắm, không thể biết chính xác ai còn ai mất sau 55 năm. Nhưng 55 năm qua họ vẫn sống, thanh thản vì đã làm xong một nghĩa vụ lớn trong cuộc đời. Mỗi người trong số họ kể một câu chuyện riêng của mình, thật nhỏ, nhưng thật chân xác về một khắc, một ngày, một quãng thời gian ngắn ngủi kỳ lạ mà họ đã sống trong chiến dịch Ðiện Biên.
Có người kể về một trận xung phong, có người kể về đồng đội vừa cùng mình đi kiểm tra chiến hào, phút giây sau đã bị pháo địch bắn bay mất xác… Cũng có người không còn nhớ được gì cả. Tuổi tác và bệnh tật làm ông chỉ có thể nói: vừa cưới vợ xong thì có lệnh đi chiến dịch ngay.
167 câu chuyện, kèm theo là 167 bức chân dung tác giả của ngày hôm nay và hàng trăm bức ảnh, tư liệu về những con người ấy cùng đồng đội của họ 55 năm trước, có tên tuổi, địa chỉ, quê quán, phiên hiệu đơn vị. Tất cả tạo nên một sức nặng đáng tin cậy. Họ đã làm nên lịch sử, và lịch sử có tên tuổi rõ ràng, lịch sử không vô nhân xưng.
Cuộc hội thảo về chiến tranh Ðông Dương và 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ mà Tuệ và Huyền tham gia với tư cách phiên dịch năm năm về trước cùng những con số và những dấu hỏi vô tận mà những học giả trong và ngoài nước đặt ra đã thôi thúc họ phải làm một điều gì đó, cụ thể, thiết thực với những người anh hùng vô danh. Suốt năm năm từ ngày đó, với thời gian và ví tiền cùng mỏng lép như nhau, họ âm thầm đi, lặn lội, tìm kiếm, gặp gỡ.
Dọc ngang đất nước, họ từng khóc không biết bao nhiêu lần vì xúc động, đau đớn và cả vì bất lực. Năm năm, với hơn 200 nhân vật đã được phỏng vấn, có những người phải gặp đi gặp lại khá nhiều lần mới chịu "mở lòng". Cuối cùng, vì khuôn khổ có hạn của cuốn sách, còn lại 167 nhân vật với câu chuyện của mình.
Những người làm sách, vượt ra khỏi ý định đầy tình cảm ban đầu, đã làm nên một pho sử chân thật với nhân vật đồng thời là đồng tác giả. (Thu Hà)
Mời bạn đón đọc.
Ra mắt "Chuyện những người làm nên lịch sử"
Ngày 15.4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tổ chức họp báo công bố cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 – 2009.
Ngày 15.4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tổ chức họp báo công bố cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 – 2009.
Cuốn sách dày 240 trang, được chia làm 3 phần, gồm: Toàn dân ra trận, Chuyện những người lính, và Tinh thần Điện Biên Phủ, do nhóm tác giả trong đó phần lớn là những nhà báo trẻ lớn lên khi đất nước đã hòa bình, các cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc đã lùi vào dĩ vãng, tự nguyện họp nhau lại, quyết tâm làm được một điều gì đó để tri ân thế hệ những người đã làm nên kỳ tích năm nào.
Họ khoác ba lô, lặn lội ngược xuôi để gặp gỡ và ghi lại những câu chuyện lần đầu tiên được kể của 160 nhân chứng lịch sử là các cán bộ sĩ quan chỉ huy các cấp, những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, y tá, thầy thuốc, nhà văn, nhà báo, văn công, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong… từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về Điện Biên phục vụ cho trận đánh vĩ đại này.
Từng trang sách lật mở, những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, những hình ảnh nóng hổi hơi thở chiến trường, khắc sâu vào tâm trí các bạn đọc trẻ tuổi về những trận đánh khốc liệt, những hy sinh anh dũng, mất mát đau thương của người lính cầm súng chiến đấu, của những chị dân công đêm ngày mở đường, vận chuyển lương thực dưới mưa bom bão đạn; từ những lần kéo pháo ra, kéo pháo vào, cuộc quyết chiến trên đồi A1 đến khi tướng Đờ -cát xin hàng.
Đối với những cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 55 năm về trước như trung tướng Đặng Quân Thụy – nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, cuốn sách gợi nhớ lại nhiều ký ức của một thời trai trẻ nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước cầm súng ra chiến trường, bước vào trận đánh lớn với khí thế “quyết đánh quyết thắng”, “không thắng không rút khỏi chiến trường”. GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thốt lên: “Cuốn sách có cách thể hiện rất độc đáo, ở mỗi phần đều có khái quát về từng giai đoạn của chiến dịch với những số liệu chính xác và xen kẽ đó là những câu chuyện của nhân chứng. Cuốn sách vừa tiếp cận và thể hiện về lịch sử vĩ mô, đồng thời cũng hướng đến lịch sử vi mô, luôn luôn hướng về con người, cả vĩ nhân và những con người hết đỗi bình thường đã làm nên thắng lợi lịch sử”.
Quang Duẩn
(Nguồn: Báo Thanh Niên)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Những người vô danh làm nên lịch sử
"Lần đầu tiên ở VN, lịch sử đã được viết theo một phong cách hoàn toàn khác: gần gũi, chân thật và vô cùng xúc động". GS sử học Phan Huy Lê đã đánh giá như thế về cuốn sách vừa được NXB Chính Trị Quốc Gia cho ra mắt ngày 15-4: Chuyện những người làm nên lịch sử – hồi ức Ðiện Biên Phủ 1954-2009.
"Lần đầu tiên ở VN, lịch sử đã được viết theo một phong cách hoàn toàn khác: gần gũi, chân thật và vô cùng xúc động". GS sử học Phan Huy Lê đã đánh giá như thế về cuốn sách vừa được NXB Chính Trị Quốc Gia cho ra mắt ngày 15-4: Chuyện những người làm nên lịch sử – hồi ức Ðiện Biên Phủ 1954-2009.
Ðây là lần đầu tiên NXB Chính Trị Quốc Gia "đỡ đầu" cho một cuốn sách của một nhóm tác giả tư nhân (nhóm tác giả của Công ty thiết kế và truyền thông Ngày Mới), làm về lịch sử, hoàn toàn không có nguồn kinh phí nhà nước.
"Nếu gõ "Ðiện Biên Phủ" trên mạng Yahoo hay Google, chưa đầy 2 giây sau bạn đã có từ 800.000 – 1.200.000 kết quả. Phần lớn là những tài liệu, bài báo, nghiên cứu, ấn phẩm. Nhưng nếu sự kiện Ðiện Biên Phủ sẽ còn được thế hệ sau "nhìn thấy" qua những thước phim tư liệu hay phim truyện, thì những con người tham gia trận chiến, những nhân chứng sống của Ðiện Biên Phủ có thể sẽ không có mặt trong lễ kỷ niệm 55 năm chiến thắng. Bởi thời gian, bệnh tật và tuổi tác luôn đúng hẹn. Bởi những người "làm nên lịch sử" chỉ là xương thịt…".
Nước mắt lăn dài trên gò má cao của Ðào Thanh Huyền – cô gái mảnh mai đã cùng bốn người bạn lặn lội gần năm năm trời để thực hiện cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử, khi cô kể lại những câu chuyện nho nhỏ trong hàng ngàn câu chuyện mà cô và bạn bè đã gặp trên hành trình về chiến trường xưa, tìm lại người cũ.
Thu Hà
(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Ra mắt tác phẩm Chuyện những người làm nên lịch sử
Hôm qua 16/4, NXB Chính trị Quốc gia, Thư viện Quốc gia, TCty Viễn thông Quân đội Viettel cùng Tomorrow Media đã tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh Điện Biên đồng thời giới thiệu cuốn “Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 – 2009”.
Hôm qua 16/4, NXB Chính trị Quốc gia, Thư viện Quốc gia, TCty Viễn thông Quân đội Viettel cùng Tomorrow Media đã tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh Điện Biên đồng thời giới thiệu cuốn “Chuyện những người làm nên lịch sử – Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 – 2009”.
170 ngày đêm tại Tây Bắc xa xôi, bắt đầu từ ngày 20/11/1953 khi Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và kết thúc ngày 7/5/1954, khi toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm địch đầu hàng được hàng trăm nhân chứng còn sống kể lại trong cuốn sách này. Phạm Thùy Hương (báo Tin tức) và Phạm Hoàng Nam (báo Vietnam News) là 2 trong số 6 tác giả của nhóm biên soạn cuốn sách công phu trong khoảng thời gian 2 năm.
NXB Chính trị quốc gia đánh giá, đây là một cuốn sách mới và lạ về cả các tác giả đến nội dung, hình thức thể hiện, và là một tác phẩm quý ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên.
H.T
(Nguồn: Báo Thể thao và văn hoá)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn