Giới thiệu sách Con Người Môi Trường Và Văn Hoá
Con người tồn tại trong môi trường sinh thái tự nhiên, môi trường sinh thái nhân văn và môi trường xã hội.
Môi trường sinh thái tự nhiên là không khí, ánh sáng, mặt trời, gió, mưa, nóng, lạnh, núi, rừng (tự nhiên)…là những cái chưa có sự tác động, chưa có dấu ẩn của bàn tay và trí não con người.
Môi trường sinh thái nhân văn là môi trường sinh thái đã có sự tác động của con người: nhà ở, công viên, ao hồ, sông đào, rừng do con người trồng, đê do con người đắp…
Môi trường xã hội là các mối quan hệ và liên hệ giữa các cá thể người, là sản phẩm của sự tác động lẫn nhau giữa người với người. Đó là: môi trường gia đình, dòng họ, môi trường kinh tế – sản xuất, môi trường văn hoá, môi trường chính trị,…
Dưới chủ đề “con người, môi trường và văn hoá” tập sách này tập hợp 12 bài viết của tác giả, đã công bố từ năm 1991 đến tháng 8 năm 2003. Trong sách này, tác giả có chỉnh lí, bổ sung, sửa chữa một số chi tiết (kể cả tên gọi một vài bài). Trật tự các bài không theo thời gian công bố, mà theo sự liên hệ nhất định về nội dung. Từ năm 1991 đến nay đã có sự thay đổi một số địa danh, chức danh khoa học của một số tác giả được đề cập. Trong sách này, để cập nhật thông tin, tác giả sử dụng các địa danh mới, còn chức danh khoa học của các tác giả là chức danh tính đến thời điểm hiện nay.
Đây là một tập sách bàn về văn hoá Việt Nam. Những cố gắng của tác giả trong nhiều năm quả chỉ là đóng góp nhỏ nhoi của một cá nhân vào sự nghiệp chung. Nghiên cứu văn hoá nước nhà là công việc của nhiều người, nhiều thế hệ. Bởi vậy, tác giả dành một bài (bài 13), để trình bày tình hình nghiên cứu từ năm 1988 (năm bắt đầu của Thập kỉ thế giới phát triển văn hoá) đến cuối năm 2002 về văn hoá Việt Nam, trân trọng ghi nhận thành tựu của cả giới nghiên cứu, đồng thời cũng xin được nêu ra những gì chúng ta có thể làm tốt hơn và cả những gì còn bất cập.
Mục lục:
Quy ước trình bày
Lời nói đầu
Con người và môi trường
Ứng xử của người Việt đối với nước
Tiếp xúc văn hoá và tiếp biến văn hoá
Văn hoá dân gian thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc
Năm thời kì lễ hội của người Việt
Chiếc khố và đôi guốc, những biểu hiện của văn hoá trang phục
Từ luật tục qua hương ước đến luật pháp
Về việc người xưa khen thưởng
Quan niệm của nhà nho và người nông dân về gia đình
Người trí thức trong các nước có truyền thống nho học phương Đông
Nghệ nhân dân gian
Nghề và làng nghề với chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội
Công tác nghiên cứu văn hoá ở nước ta từ năm 1988 đến nay
Vài nét về tác giả
Mời bạn đón đọc.