Giới thiệu sách 500 Danh Lam Việt Nam
500 Danh Lam Việt Nam:
Đại lễ Vesak LHQ hay còn gọi là đại lễ Tam Hợp LHQ, kỷ niệm ba sự kiện Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn của đức Phật. Tên gọi chính thức bằng tiếng anh là United Nations Day of Vesak (UNDV). Tên gọi chính thức tại Việt Nam là “Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc” hoặc còn gọi là Ngày Phật đản/Tam hợp Liên Hợp Quốc. Mục đích của đại lễ là nhằm tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hoá, và tư tưởng hoà bình, bất bạo động của Đức Phật và tạo dựng một mối tương kính, hiểu biết giữa các quốc gia và dân tộc trên toàn thế giới.
Đại lễ Phật đản LHQ là lễ hội văn hoá thế giới do Liên Hợp Quốc khai sinh. chủ xướng, duy trì và triển khai. Lễ hội quốc tế này là để vinh danh đức Phật, một vĩ nhân văn hoá của nhân loại, và để xiễn dương nội dung hoà bình và nhân bản của giáo pháp của Phật.
Hoà với niềm vui với các dân tộc và Phật tử trên toàn thế giới, năm nay, Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức ngày lễ Phật đản LHQ cao quý tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia từ ngày 13-17 tháng 5 năm 2008 (nhằm mùng 9-13 tháng 4 Mậu Tý). Chính phủ nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (VbS) và Ban Điều phối Quốc gia cùng tổ chức ngày lễ trọng đại này.
Đại lễ Phật đản LHQ lần thứ 9 (đối với Đại hội đồng LHQ) và lần thứ 5 (đối với cộng đồng Phật giáo quốc tế) này, Ban tổ chức có nhiều tặng phẩm cao quý cho trên 600 phái đoàn đến từ hơn 80 quốc gia. Trong số đó, ấn phẩm “500 Danh lam Việt Nam” của nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường là tặng phẩm có ý nghĩa, góp phần giúp cho toàn thể đại biểu trong và ngoài nước hiểu thêm về lịch sử Phật giáo và sự đồng hành của nó với dân tộc qua hình ảnh của “mái chùa che chở hồn dân tộc”.
Tiếp cận từ góc độ văn hoá, Chùa không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng tôn giáo trong đạo Phật (mặc dù đạo Phật đúng nghĩa không phải là một tôn giáo theo nghĩa từ nguyên), mà còn vừa là thực thể văn minh, vừa là thực thể văn hoá. Chùa là tổng thể của văn minh kiến trúc, điêu khắc, ảnh tượng, bia ký và pháp khí…Chùa cũng là tổng thể của đời sống tinh thần, nơi trau dồi, rèn luyện nhân cách và lột bỏ tất cả những bợn nhơ của hành vi, cử chỉ, lời nói và nếp nghĩ của những ai tôn thờ Phật Thích Ca làm thầy tâm linh.
Tiếp cận từ góc độ kiến trúc, khác với đền, miếu, nhà thờ, nơi thờ các vị thánh hay Thượng đế, Chùa là một tổng thể bao gồm điện thờ Phật, nhà thờ Tổ, các tăng xá, nhà khách và tháp…
Trong dân gian Việt Nam, đã từ lâu, thuật ngữ “chùa” được sử dụng với nghĩa bóng là “miễn phí” hay “không công”. Nguồn gốc ra đời của ý nghĩa này có lẽ bắt nguồn từ các thời đại Lý và Trần, khi ngôi chùa đã trở thành trung tâm văn hoá, giáo dục và tôn giáo của quần chúng. Chùa được xây dựng lên để dân chúng được học tập, sinh hoạt văn hoá và trau dồi đời sống tinh thần, một hình thức sinh hoạt rất quan trọng, làm tăng cường ý nghĩa cuộc sống của con người.
Câu nói “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” cho thấy được đã từng có một giai đoạn lịch sử người dân Việt Nam xem chùa là tài sản chung của làng xã. Khi chùa được xem là tài sản chung, con em trong làng đến chùa học đều được miễn phí hoàn toàn, đến tham gia các hình thức sinh hoạt văn hoá và lễ hội cũng không phải mua vé hay trả tiền, ăn cơm chùa cũng không cần phải đóng tiền tháng, tiền bửa như công nhân ăn cơm phần hay cơm hộp ngày nay. Từ đó, đã phát sinh ra các thành ngữ liên hệ đến từ “chùa” với các ý nghĩa mang đậm nét văn hoá “vị tha và phụng sự” của Phật giáo, một nền văn hoá khác xa với văn hoá mang màu sắc kinh doanh, mua bán của nền kinh tế thị trường hay kinh tế quốc doanh.
Các cuốn sách của Võ Văn Tường về Chùa Việt Nam đã mở ra phong cách mới, vừa là tuyển tập các ảnh nghệ thuật về kiến trúc chùa Việt Nam nhiều nhất và tiện tra cứu nhất, vừa là tác phẩm mô tả các phương diện lịch sử, văn hoá và giá trị tâm linh của nó trong lịch sử văn hoá của Việt Nam.
Khoảng 2.000 tấm ảnh nghệ thuật trong tác phẩm “500 Danh lam Việt Nam”. Cuốn sách giới thiệu khá đầy đủ các ngôi chùa nổi tiếng ở ba miền Nam Trung Bắc với nhiều dạng kiến trúc, đại diện cho nhiều truyền thống Phật giáo, cổ cũng như kim. Tác phẩm này là món quá tinh thần quý giá đối với ai quan tâm đến văn hoá Phật giáo và văn hoá Việt Nam.
Mục lục:
Lời nói đầu
Lời tác giả
Lời giới thiệu
Phần 1: 108 Ngôi chùa miền Bắc
Phần 2: 146 Ngôi chùa miền Trung
Phần 3: 113 Ngôi chùa TP.HCM
Phần 4: 133 Ngôi chùa miền Nam
Mời bạn đón đọc.