… Văn hóa dù hiểu theo định nghĩa nào thì vẫn là hình bóng con người, do con người sáng tạo. Vì thế, tôi muốn đi tìm những con người đã tỏa hương trong nền văn hóa triều Nguyễn. Một trong những con người đó là hai cha con, hai vua Thành Thái – Duy Tân, mà học giả Cao Hữu Di đã viết: Trên thế giới và ngay cả ở nước ta, xưa nay vẫn có những số phận chung gắn liền cuộc đời hai cha con bởi sự nghiệp văn hóa, khoa học, chính trị… khiến cho muôn đời sau còn lưu tiếng tốt; tuy nhiên tôi vẫn nghĩ không dễ tìm đâu ra được số phận chung nào của hai cha con đã làm xúc động cõi lòng dân tộc, đánh thức lương tri làm người và chủ nghĩa anh hùng quyết không làm nô lệ, giành độc lập tự do cho đất nước, như hai cha con vua Thành Thái – Duy Tân (Ông vua không nhà – trang 358 – Sách Những vấn đề lịch sử triều đại cuối cùng ở Việt Nam – Tạp chí Xưa và Nay – 2002).
Những ý kiến trên, cùng với Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương gần một trăm năm mưa gió, đã lay động hồn tôi. Và anh linh đức vua Thành Thái – Duy Tân cùng hồn Huế linh thiêng đã mách bảo tôi viết cuốn sách Vương Miện Lưu Đày, kể chuyện cuộc đời hai cha con, hai vua Thành Thái – Duy Tân trong cái nền của văn hóa Huế (di sản văn hóa thế giới). Phương pháp kể chuyện của tôi là dựa vào các tài liệu đã thu thập được để nghiên cứu và kể chuyện có sáng tạo, về hai cha con, hai vua cùng có chung một định mệnh lưu đày. Và như một học giả đã viết: Định mệnh của một con người có thể giúp ta hiểu được lịch sử của một thời đại, nhưng ngược lại, chỉ lịch sử thời đại người ấy sống mới giúp ta hiểu được định mệnh con người ấy (Bernard Gue née).
Định mệnh của hai cha con, hai vua Thành Thái – Duy Tân được kết lại bởi lòng ái quốc, tinh thần độc lập, tự cường dân tộc của người Việt Nam (cả dân lẫn vua) từ thời dựng nước đến nay, không bao giờ chịu ách nô lệ.