Vốn say mê con người, văn hoá, phong cảnh Huế và những vấn đề lịch sử triều đại cuối cùng ở Việt Nam nối với thời đại chúng ta, Mai Thục như bị cuốn hút vào ý kiến của Giáo sư Trần Văn Giàu: Không có thời đại nào văn hoá phát triển như thời Nguyễn. Có thể nói, sự phát triển văn hoá dưới thời Nguyễn tương đương với sự thống nhất quốc gia. Sự thống nhất về chính trị thúc đẩy sự phát triển về văn hoá rất nhiều. Đó là thành tích của triều Nguyễn.
Văn hoá dù hiểu theo định nghĩa nào thì vẫn là hình bóng con người, do con người sáng tạo. Mai Thục muốn đi tìm những con người đã toả hương trong nền văn hoá triều Nguyễn. Một trong những con người đó là hai cha con, hai vua Thành Thái – Duy Tân.
Cùng với Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương gần một trăm năm mưa gió, đã lay động hồn Mai Thục, và tác giả đã cầm bút viết về cuộc đời hai cha con, hai vua Thành Thái – Duy Tân trong cái nền của văn hoá Huế.
Phương pháp kể chuyện của tác giả là dựa vào các tài liệu đã thu thập được để nghiên cứu và kể chuyện có sáng tạo, về hai cha con, hai vua có chung một định mệnh lưu đày. Và như một học giả đã viết: Định mệnh của một con người có thể giúp ta hiểu được lịch sử của một thời đại, nhưng ngược lại, chỉ lịch sử thời đại người ấy sống mới giúp ta hiểu được định mệnh con người ấy (Bernard Gué née).