Cuốn truyện lịch sử viết về Đặng Thị Nhu (còn gọi là Đặng Thị Nho) thường gọi là Cẩn. Nàng sống cô đơn nơi rừng núi hoang dã, giấu biệt tung tích của mình.
Tướng chỉ huy đồn Cao Thượng rất trẻ, tên là Đề Thám, vị tướng lĩnh lừng danh, người đã làm bọn Pháp khiếp sợ và kinh nể. Trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, người con gái xinh đẹp đất Kinh Bắc đã lọt vào mắt viên tướng trẻ tài ba. Trai tài, gái sắc, duyên trời se định, Thám đã gặp được người ý hợp tâm đầu. Trong đôi mắt Thám, cô là người nhan sắc, liễu yếu đào tơ nhưng đường kiếm cung lại không chịu kém nam nhi, nàng lại biết lo đến việc nước, buồn vui trước thăng trầm của thế cuộc, và có chí hơn người.
Từ khi hai người kết nghĩa trăm năm, Đặng Thị Nhu trở thành một trong những tướng tài trong quân nghĩa của Đề Thám. Nàng là vợ ba của Thủ lĩnh áo nâu – người mà tiếng tăm không chỉ lừng lẫy khắp vùng Yên Thế mà còn lan rộng ra cả nước. Cũng trong cuộc khởi nghĩa có tầm quan trọng này, Đặng Thị Nhu đã chứng tỏ phẩm chất và sức mạnh của một viên nữ tướng, góp phần tạo nên những chiến công của nghĩa quân. Nhân dân vùng rừng núi ấy đã coi nàng như một tấm gương sáng – tấm gương đẹp như vầng trăng của bầu trời Yên Thế hoang sơ và thiêng liêng.