“Anghen khẳng định rằng: “Một dân tộc muốn đứng trên đỉnh cao của khoa học, thì không thể phút giây nào vắng tư duy lý thuyết” (Phép biện chứng tự nhiên). Điều này về cơ bản cũng thích hợp với nghệ thuật. Tất nhiên sẽ là khôi hài, nếu phóng đại vai trò trực tiếp của lý luận đối với một quá trình sáng tác cụ thể. Nhưng quả là có một sự thật này: Hầu như các nền văn học lớn trên thế giới đều tương ứng với di sản lý luận phong phú và sâu sắc của họ. Vốn không thừa hưởng được truyền thống giàu có về thi học, nền văn học đổi mới của chúng ta hôm nay, tuy quan điểm đường lối là cốt lõi, nhưng không nên nghèo nàn, mà phải tiến lên xây dựng cho được một nền lý luận phong phú mà vững chắc. Đúc rút kinh nghiệm của thế kỷ vừa qua, nhìn rộng ra suốt thế kỷ mới, phải chăng chúng ta nên ra sức xây dựng một nền lý luận văn học dân tộc – hiện đại với những phương hướng chủ yếu như: Bám chặt vào thực tiễn văn học dân tộc, quán triệt tư tưởng văn nghệ Mác-Lênin và Hồ Chí Minh…, ra sức thừa kế những quan niệm văn học tốt đẹp của ông cha và triệt để khai thác những tinh hoa trong di sản lý luận Đông Tây của nhân loại, hấp thụ những “hạt nhân hợp lý” của lý luận phương Tây hiện đại … Phải là một nền lý luận vừa giữ vững định hướng, vừa thật sự phong phú, hàm chứa được những tinh hoa trong nước và thế giới, thì mới đủ sức giải quyết những vấn đề văn học trước mắt trong bối cảnh mở cửa giao lưu quốc tế hiện nay.
Nằm chung trong một khái niệm kép dân tộc – hiện đại, hai khái cạnh tổ thành trong đó tuy không đồng nhất, nhưng phải thống nhất gắn bó chặt chẽ với nhau. Chỉ có thật hiện đại mới góp phần khám phá sâu hơn những vấn đề của văn học dân tộc. Ngược lại cũng chỉ có sát hợp hơn với thực tiễn văn học dân tộc, thì phương hướng hiện đại mới thực sự có hiệu lực và có triển vọng đóng góp trở lại làm phong phú cho kho tàng lý luận chung. Hiện đại ở đây là những lý thuyết tiên tiến nhất của thời đại về mặt chân thiện mỹ. Nhưng không phải chỉ có thế, vì bất cứ cái gì, như G. Gadamer đã nói: “Vẫn còn thực hiện được thiên chức của nó, thì nó sẽ mang tính đồng đại với bất cứ thời đại nào” (Chân lý và phương pháp). Cho nên một quan niệm lý thuyết nào dù đã tồn tại rất lâu và từ xa, nhưng còn tỏ ra thích hợp gây tác dụng tích cực trước nhu cầu của thời đại, thì vẫn mang tính chất hiện đại. Nhưng nếu tính hiện đại của lý thuyết, mặc dù còn phải bàn bạc thêm, nhưng chắc là không khó đi đến chỗ nhất trí, thì tính dân tộc của lý thuyết dường như sẽ vấp ngay cái trở ngại cho rằng đã là lý luận, là khoa học thì phải là chân lý phổ biến, không thể mang tính của dân tộc được. Sự thật không phải như vậy. Trừ những lý thuyết trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ ra, thì những quan niệm, những lý thuyết trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn vẫn mang tính dân tộc ở những hình thức và mức độ nào đó. Ngay triết học là khoa học tổng quát nhất cũng vậy. Trong Gia đình thần thánh, Mác có nói: “Chỗ khác nhau giữa chủ nghĩa duy vật Pháp và chủ nghĩa duy vật Anh là chỗ khác nhau giữa hai dân tộc đó. Người Pháp đã đem lại cho chủ nghĩa duy vật Anh sự dịu dàng và tính chất uyển chuyển mà chủ nghĩa ấy thiếu. Họ làm cho chủ nghĩa ấy văn minh lên”….” (Trích “Vì một nền lý luận văn học dân tộc – hiện đại”)
Mục lục:
Cùng bạn đọc
Vì một nền lý luận văn học dân tộc – hiện đại
Những trăn trở tiến bước của lý luận văn học giai đoạn 1975 – 1985
Mấy mươi năm phát triển của lý luận văn học Việt Nam
Nói cho cùng, phải có người chuyên tâm làm lý luận
Không chỉ lo giữ gìn, mà còn phải phát triển bản sắc văn hoá dân tộc
Chung quanh vấn đề phương pháp sáng tác hiện nay
Suy nghĩ bước đầu về văn học với tôn giáo
Mối quan hệ giữa chủ thể với đối tượng trong văn học sử
Đôi điều về Thi học với Thiền học
Lý luận văn học Xô-viết trong toàn cảnh lý luận văn học Nga thế kỷ XX
Lý luận văn nghệ “mácxít – phân tâm” của E.Fromm
Lý luận văn nghệ “mác xít – cấu trúc” của L. Glodmann
Những bậc tiên phong của tư duy hậu hiện đại
Chủ nghĩa lịch sử mới, một chuyển biến trong lòng chủ nghĩa hậu hiện đại
…..
Mời bạn đón đọc.