Xem sách hay

Vào Thủ Phủ Vàng Pao

Mua ở đâu?
Vũ Toàn

Vũ Toàn

Vào “Thủ Phủ” Vàng Pao
Từ
 những chuyến đi của mình, Vũ Toàn lại viết và chuyển tải đến người đọc của anh những mảng hiện thực sống động, ngồn ngộn đang phơi bày nhiều màu nhiều vẻ và đầy góc cạnh. Có một mảng về quá khứ với những cuộc truy tập mộ liệt sĩ đầy gian khổ và nguy hiểm trên biên giới hay nằm sâu trong đất Lào. Có một mảng về đường rừng với những cái lạ nơi những bộ tộc ít người như tục ngủ ngồi, tục thờ ma mót…

Vũ Toàn và dòng phóng sự không lẫn với ai khác
TTO – Vũ Toàn và tôi là hai đồng nghiệp “biết” nhau trước tiên là qua “thế giới ảo” rồi  qua nhịp cầu âm thanh. Từ Nghệ An, Vũ Toàn email cho tôi những phóng sự của anh, rồi thỉnh thoảng gọi điện vào hỏi thăm “số phận” chúng ra sao. Còn từ TP.HCM, tôi đọc bài của anh và gọi điện ra… “phiền trách” anh. 

Mối quan hệ “quen tiếng” như thế kéo dài khá lâu và đến một lúc bất ngờ đã phải trả giá bởi một sự cố thuộc vào hàng giai thoại làng báo. Vũ Toàn vào thành phố lần đầu tiên để nhận phần thưởng của báo về tuyến bài “Cơm tù”. Chưa một lần gặp mặt Vũ Toàn nên tôi không nhận ra anh. Tôi đến ngồi cùng bàn với các phóng viên, cộng tác viên từ các tỉnh về. Ngồi cạnh, tôi hỏi anh: “Ông có biết Vũ Toàn là ai không?”. Những tiếng cười phá lên. Tôi cũng cười như để “bù lỗ” cho sự quan liêu lâu nay của mình. Chẳng lẽ Vũ Toàn là đây sao? Toàn thấp người, dáng đậm, đầu hói, nói năng nhỏ nhẹ với cái môi hơi chúm chím nhưng lém lỉnh. Chao ôi, đây là “đồng chí  bí thư huyện ủy” chứ nào phải một nhà báo chuyên viết những ký sự đường rừng hay những phóng sự mang hơi hướng “hình sự” và “giang hồ” như tôi vẫn hình dung!

Tôi và Vũ Toàn thân nhau là thế

Phải nói rằng có lẽ tôi là “người đọc đầu tiên rất… khó tính” của anh.  Ngay từ những phóng sự đầu tiên của Vũ Toàn, đọc xong, tôi không khỏi bức xúc gọi điện ra cho anh.  Ít có những lời khen mà thường khi là những “đe dọa”: “Bài phải viết lại, nếu không…”, giống như một “tối hậu thư” đáng sợ đối với bất cứ phóng viên nào trong cái nghề viết báo là… gác bài!  Không ít lần, tôi yêu cầu anh viết lại lần hai thậm chí lần ba. Chẳng phải vì ghét bỏ mà vì tiếc cho những đề tài “độc” nhưng anh lại chưa chịu viết đúng tới độ như nó cần được viết. Là thư ký tòa soạn của tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần), hàng ngày tôi phải đọc không ít phóng sự nhàn nhạt với những đề tài làng nhàng mà ở đó người viết đi thực tế như “cưỡi ngựa xem hoa” nhiều hơn là thâm nhập. Và vì thế, tôi không thể không có lỗi với người đọc của mình khi lại  cứ “dọn” lên cho họ “xơi” những món như thế mỗi tuần. Chính vì tiếc là chính mà tôi đã phải… hành anh là chính. Có lần, tôi góp ý thẳng: “Ông viết phóng sự chứ không phải làm văn, làm thơ đâu. Ông đang làm báo đấy. Trong phóng sự, ông hãy căng hết các giác quan của mình ra để cho người đọc có thể nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, cảm thấy, thậm chí sờ thấy sự kiện chứ?”. Tôi hiểu cái máu “văn thơ” đã không khỏi nhiễm sâu vào anh bởi trước khi làm báo, anh đã làm thơ và làm nhiều thơ nữa, từng in vài tập thơ rồi.

Tôi và Vũ Toàn  có “ân oán” với nhau là thế

Anh hiểu tôi, chỉ cười và lặng lẽ viết lại. Và anh viết “lên tay” thấy rõ. “Cây kéo” của tôi ít được dùng đến hơn. Anh nhanh chóng thuyết phục được  “người đọc đầu tiên rất khó tính” của anh cùng đông đảo người đọc khác khi những phóng sự của anh xuất hiện trên trang báo.

Phải nói Vũ Toàn chịu đi và đi nhiều. Có khi  anh cùng “một tay lái xe ôm đường rừng lên đường trong chiều mưa” đến những bản làng của người Thái để tiếp cận những kẻ chuyên săn lùng nhà sàn cổ . Có khi anh “ngược dòng thác hung hãn để lên độ cao 1.300m đến với bộ tộc Đan Lai trong “chốn sơn cùng thủy tận” hay ngược sông Nậm Nơn với những con thác cuồn cuộn sóng nước, nhâm nhi trong đêm hết hai bánh lương khô  702 để  tìm đường vào các bản làng hẻo lánh của tộc người Ơ Đu. Có khi chiều gió lạnh,  anh “vác ba lô lội qua suối đá Rào Tre, ngược lên mấy bản làng vắng” đến với  tộc người Mã Liềng dưới chân núi Ka Đay hay lang thang trên Tây Trường Sơn tìm đến những tộc người Ma Coong, A Rem, sách, Rục… Hết lên rừng, có khi anh lại xuống biển cùng đám thợ lặn ở Hà Tĩnh. Có khi anh lại đột nhập vào hang ổ những kẻ đào vàng trên núi Mốc. Có khi anh lại cùng các chiến sĩ biên phòng nằm mai phục truy kích bọn phỉ. Có khi anh quá giang “ vượt biên” qua đất Lào để vào thủ phủ Vàng Pao, vào đất Trung Quốc để thâm nhập đường dây “buôn phụ nữ qua biên giới”. Có khi… Có khi…

Có lẽ nhờ có thời gian lăn lộn trong ngành giao thông vận tải, Vũ Toàn có khả năng nhập vai nhiều nhân vật khác nhau, không chỉ để dễ tiếp cận đối tượng mà chính là để có thể quan sát sự việc từ bên trong của nó như “người trong cuộc”. Lúc thì Vũ Toàn là một gã  “phường săn” đi lùng nhà sàn, như một đại gia chuyên đi buôn thú rừng. Lúc thì Vũ Toàn “khoác áo phường chèo” như một nhà địa chất, tay cầm búa, chân đi tất bộ đội, bản đồ, la bàn, kính lúp lỉnh kỉnh… Lúc thì Vũ Toàn là một gã thợ săn đã mệt mỏi nay muốn đi thực tế để mở quán  thịt khỉ. Lúc thì Vũ Toàn là một khách hàng xồn xồn muốn mua vài xê xê mật gấu để ngâm rượu uống, lúc thì như một thợ học việc bám càng theo “ sếp” hay “ đại ca” để lọt vào thế giới xăm, đào cổ vật. Lúc thì Vũ Toàn là một gã làng chơi lạc vào những ô nhà ổ chuột rách nát dưới những vòm cây hoang mặc cho những cô gái ăn mặc hở hang chạy ùa tới ôm vai bá cổ, giục “ lấy gái” rồi dẫn đi “ đóng” hay “mở” trinh… Lúc thì Vũ Toàn là một hành khách nghèo trên tuyến xe đò Bắc-Nam để nếm cảnh ăn  “cơm tù”… Lúc thì… Lúc thì ….

Từ những chuyến đi của mình, Vũ Toàn lại viết và chuyển tải đến người đọc của anh những mảng hiện thực sống động, ngồn ngộn  đang phơi bày nhiều màu nhiều vẻ và đầy góc cạnh. Có một mảng về quá khứ với những cuộc truy tập mộ liệt sĩ đầy gian khổ và nguy hiểm trên biên giới hay nằm sâu trong đất Lào. Có một mảng về đường rừng với những cái lạ nơi những bộ tộc ít người như tục ngủ ngồi, tục thờ ma mót… Nhưng với tôi, ấn tượng nhất vẫn là mảng hiện thực nóng bỏng ở đó những đối kháng, xung đột đang diễn ra khốc liệt, một mất một còn, có khi lồ lộ, mặt đối mặt, có khi thầm lặng mà không kém nghiệt ngã. Vũ Toàn đã “bóc”, “lột” được từ thực tế này những đề tài “độc”; chắt lọc được từ đó những chi tiết, những nhân vật, những hình ảnh thật đến mức sống sượng, trơ trẽn đến độ không khỏi khiến người đọc giựt mình thảng thốt. Ngôn ngữ đời thường được anh đưa vào thật “đắt” trong những phóng sự của mình.

Với “đồng chí bí thư huyện ủy” của mình, “người đọc đầu tiên rất khó chịu” này có một chút tiếc nuối riêng. Thời gian gần đây, anh ít viết hơn trước. Quản lý một văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ tại Nghệ An (và cũng là của cả vùng Bắc Trung bộ) với bao công việc không tên, đang làm cạn kiệt quĩ thời gian của anh. Bởi nếu Vũ Toàn tiếp tục đi và khai thác cái mảng sống ngồn ngộn ở vùng đất “đắc địa” này, chắc chắn anh sẽ còn mang đến cho người đọc một dòng phóng sự không lẫn với ai khác.

ĐỖ ĐÌNH TẤN

 
Mua ở đâu?