Chất thơ bao quanh tác phẩm văn chương và cuộc đời nghệ sĩ Nguyễn Tuân như một “huyền sử”. Có thể cảm nhận Vang bóng một thời như một bài thơ, – một bài thơ với những nhịp mạnh xen lẫn những nhịp nhẹ, với những trùng điệp day dứt, những rung động mãnh liệt hay nhẹ nhàng, toả lan thành những đợt sóng dữ và những làn sương mờ. Vang bóng…, mang chất thơ của một thời kỳ lịch sử quyết liệt, được biểu hiện bằng những nhịp mạnh, – những buổi chiều máu lửa, những va chạm dữ dội; của những giấc mơ trong sáng, thanh khiết được diễn đạt bằng những nhịp nhẹ, – sương khói mờ ảo của chén trà sương, nắng chiều tàn; của những cảnh tưởng tượng thần tiên hay ma quái, – những oan hồn xõa tóc, những màu vàng ghê sợ, đỉnh non cao huyền bí.
Có thể thấy ở Vang bóng một thời ba mô típ nghệ thuật, tạm gọi là “mô típ buổi chiều máu”, “mô típ sương mờ” và “mô típ Liêu Trai”. “Vang bóng” là chất thơ bao trùm ba mô típ trên; “một thời” chỉ rõ một thời kỳ lịch sử cụ thể, “lúc giao thời”. Nguyễn Tuân, con người lãng tử, khí phách, độc lập ấy, đã nhìn sâu vào lịch sử bằng con mắt nghệ sĩ, tìm thấy một phương diện cái đẹp, cái hào hùng và cái thuần bóng một thời.
Mười hai truyện trong Vang bóng một thời biểu hiện tài năng nhiều dạng của Nguyễn Tuân – Làm sống lại “một thời” đầy bạo lực của lịch sử, mà ông phủ nhận quyết liệt, ông sáng tạo những “vang bóng” của chính “thời” đó diễn đạt một phương diện sức sống của cái đẹp lúc bấy giờ, – tâm hồn thanh cao của những trí thức trong sáng như nước đọng trên lá sen thơm lành, tức là giấc mơ đẹp của chính nghệ sĩ Nguyễn Tuân.
Mời bạn đón đọc.