Vấn Tóc gồm những truyện ngắn:
Sông ơi!
Nguyện ca.
Gọi hồn.
Nhu nhược.
Điều bí mật của anh tôi.
Vấn tóc cao.
Khu vườn bí ẩn.
v.v…
…Người đàn bà làn da trắng muốt, thơm vị nước… Cánh tay tròn với hai bàn tay như hai búp sen mềm mại bám lấy chàng. Vài sợi tóc đen dính bên mặt. Đôi mắt long lanh trong ánh nến, làn môi màu đỏ nhiễu lúc mím chặt, khi mỉm cười. Thân thể nàng nhẹ bẫng quấn quít như làn nước. Chàng trai tiến vào một động nước trong mát đến tê người, Mặt hồ tĩnh lặng hút vào chàng cuộn sóng. Phong cảnh hai bên bờ mênh mông. Hai khớp xương tròn, da căn mềm, sáng lấp loáng dưới ánh nến như hai mặt nhẫn ngọc nạm. Người đàn bà không có chân…
(Trích trong truyệnSông ơi)
Xuyên suốt tập truyện là phận đàn bà, là những nỗi niềm tình yêu, chỉ khác ở cách soi chiếu nó qua cách nhìn và cách kể của nữ tác giả còn trong độ tuổi hai mươi sống ở thế kỷ hai mốt. Hơn một lần cô viết là đàn bà không có gì ngoài quá khứ. Nhưng cô không cho phép mình và các nhân vật của mình chấp nhận điều đó. Cô là người của hiện tại, sống bằng hiện tại, tình yêu giao phối truyền đời luôn là hiện tại. Như con thuyền của ba chị em trên dòng sông ấy: “Nước sông trôi, thuyền xuôi. Con thuyền và dòng sông vĩnh viễn chẳng bao giờ thay đổi. Trên bờ dọc bến sông, ở bất kỳ đâu người ta cũng thấy được con thuyền gỗ lung linh thắp đèn sáng thâu đêm. Một thế giới bí mật, một thế giới không có quá khứ, tương lai, một thế giới không có chờ đợi, không có nuối tiếc và khát khao, một thế giới vượt qua dòng chảy thời gian và không thuộc về con người. Và trong cuộc đấu tranh chống hai con quái vật quá khứ, tương lai, người ta vẫn nhìn ra sông để thấy con thuyền gỗ sáng lung linh, con thuyền dập dềnh theo dòng thời gian và con người.” Sự sống là ở những người đàn bà. Thiên tính nữ bảo đảm cho sự sinh sôi nảy nở của vũ trụ và vạn vật. Như bông anh thảo muộn “đẹp rực rỡ đến ma quái” dưới ánh trăng là cần thiết cho khu vườn.
Tôi thích những truyện Nước biển Venice mặn, Vấn tóc, Người hùng, Cam. Đọc truyện Ngọc Cầm Dương thấy có chất thơ, thấy có thơ, hình như thế là hợp với mạch truyện thường khi lan man ngẫu hứng, đến mức đan xen cả các đại từ nhân xưng trong truyện khiến người đọc phải tưởng tượng, phải tìm kiếm và kết nối những mạch ngầm mạch nổi, mạch có mạch không để hiểu truyện, hiểu ý tưởng tác giả gửi gắm. Những “ê-tuýt” văn chương này vì thế đang vẫn tiếp tục. Ngọc Cầm Dương hình như học được nhiều ở văn chương hiện đại thế giới, và cô đang muốn biến những cái đã đọc đã học thành cái của mình. Cô là dịch giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nhà giả kim của nhà văn Brazil Paulo Coelho từ tiếng Đức, một bản dịch khá. Có lẽ tôi dẫn lại đây truyện Vấn tóc cao ngắn nhất trong tập để kết lại bài giới thiệu này như một niềm thấp thỏm mong chờ từ những “ê-tuýt” đầu tay của Ngọc Cầm Dương.
Nữ thị thường ngày vấn tóc cao cho vẻ con nhà đài các. Một người thấy lạ bèn gọi là Vấn tóc cao. Sau được dăm hôm ai ai cũng gọi nàng là Vấn tóc cao. Họ Nữ từ ấy quen dần mà cũng tự xưng là Vấn tóc cao. Họ Mã mới đến không biết chuyện ấy nên chỉ tự hỏi: “Họ Nữ vấn tóc cao hay tóc cao vấn họ Nữ?”
Người biết nêu câu hỏi là người biết trả lời.
(Phạm Xuân Nguyên).
Xin trân trọng giới thiệu và mời bạn đón đọc.