Xem sách hay

Văn Chương Sài Gòn 1881 – 1924 (Văn Xuôi – Tập 1)

Mua ở đâu?
Trần Nhật Vy

Văn chương Sài Gòn : Nền văn chương thất lạc

Sẽ có người hỏi “Ủa! Sài Gòn cũng có văn chương nữa sao?”. Xin nhỏ nhẻ mà thưa “Dạ, có!”. “Nó gồm có những thứ gì?”. “Dạ, có đủ! Tiểu thuyết ngắn dài, truyện thơ, thơ, phú, tiểu phẩm,…”. “Nó có từ hồi nào?”. “Dạ, có từ hồi người Việt biết chữ quốc ngữ ít lâu”.

Khiêm tốn mà nói như vậy!

Đã là người Việt, đã là người Sài Gòn thì đều biết chữ quốc ngữ được phổ biến đầu tiên ở Sài Gòn, ở Nam kỳ nay gọi là Nam bộ. Và văn bản bằng chữ quốc ngữ đầu tiên chính là tờ Gia Định Báo, xuất bản tại Sài Gòn, số ra đầu tiên ngày 15.4.1865. Và chúng ta cũng đã thống nhứt với nhau rằng “báo chí quốc ngữ là cái nôi của văn học Việt Nam”.

Ai cũng nói, cũng biết như vậy, song lâu nay, việc tìm hiểu tận nguồn gốc của văn học quốc ngữ Việt Nam một cách minh bạch thì… ít người làm!

Vậy thì văn chương Sài Gòn ra sao? Xin thưa, đó là một nền văn chương dành cho mọi người. Văn chương Sài Gòn, ai cũng đọc được, từ quan lớn, quan nhỏ, bà lớn, bà nhỏ, cô tiểu thư, cho đến chị bán tàu hũ, bán chuối chưng, bán cá… ngoài chợ, tất nhiên là phải biết chữ.

Vì gần cuộc sống, vì dành cho mọi người, vì là truyện đăng báo, nên văn chương Sài Gòn không cầu kỳ, không chải chuốt, không bóng bẩy, không làm dáng mà bình dị, nhẹ nhàng, thô ráp, văn gần với tiếng nói. Văn chương Sài Gòn là văn chương viết từng kỳ, viết để in liền nên mỗi kỳ phải hấp dẫn người đọc. Có nhà văn, mỗi ngày tới ngồi ở tòa soạn báo viết liền một mạch rồi đưa cho ấn công đem vô xếp chữ. Do đó, có khi chữ nghĩa không được biên tập, sửa chữa cho gọn gàng, câu cú nhiều lúc lộn xộn. Đó cũng là phong cách của nhiều nhà văn Sài Gòn kéo dài cho tới năm 1975.

Văn chương Sài Gòn bắt đầu là những truyện rất ngắn, nội dung đơn giản, tình tiết cũng giản dị. Lần lần truyện mới dài ra, dài ra, nhiều tình tiết hơn, nhiều éo le, gút mắc hơn và đến thế kỷ XX mới thực sự có những cuốn tiểu thuyết đồ sộ. Đọc lại các truyện thuở bình minh của văn học quốc ngữ, từ những tập “Chuyện đời xưa” của Trương Vĩnh Ký, “Chuyện giải buồn” của Huỳnh Tịnh Của cho chí “Phansa diễn ra quấc ngữ” của Trương Minh Ký đều na ná nhau ở chỗ rất ngắn, nội dung mỏng, đọc dễ hiểu. Đến “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản thì mới dài, và độ dài nầy so với tiểu thuyết ngày nay chỉ là một truyện vừa! Có lẽ thời kỳ đầu, người biết quốc ngữ không nhiều, các vị viết nhằm mục đích cho người học chữ luyện chữ, tập đọc chớ chưa nhằm để “thưởng thức” như ngày nay. Thứ nữa, thuở xưa, người viết cũng không nhằm mục đích kiếm sống nên chẳng cần phải kéo dài lê thê ngày nầy qua ngày khác! Cũng còn có một lý do đặc biệt quan trọng nữa là văn học Sài Gòn “sống nhờ” báo chí, nên hoàn toàn phụ thuộc vào chủ trương xuất bản của từng tờ báo.

Các bạn đang cầm trên tay cuốn tác phẩm văn xuôi quốc ngữ thuộc vào hàng xưa nhứt của nước ta lần đầu tiên được tập họp lại thành sách. Sách gồm các truyện rất ngắn, truyện vừa và truyện dài đăng rải rác trên các tờ Gia Định báo, Nam Kỳ, Nông Cổ Mín Đàm, Nam Kỳ Địa Phận, Lục Tỉnh Tân Văn, Trung lập Báo xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1881 đến năm 1924 được sưu tập. Tất nhiên đây không phải là tất cả những gì người xưa đã viết, dịch ra. Song trong điều kiện hạn hẹp về tư liệu, chúng tôi đã cố gắng sưu tập, tìm kiếm, biên tập, chú thích hầu phục vụ các bạn.

Tập Văn chương Sài Gòn 1881 – 1924 ra đời chỉ nhằm mục đích giới thiệu cùng bạn đọc hôm nay những sáng tác, những dịch phẩm của người xưa mong, các bạn hôm nay biết, đọc và thấy được rằng, tiền nhân của chúng ta cũng có công, có sức gầy dựng một mảng văn chương đáng kính trọng của thuở ban đầu chữ quốc ngữ.

T.N.V

(cuối năm 2016)

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?