“… Tôi đang trôi gần đến cái chết, đang lênh đênh trên dòng nước chảy xuống triền núi. Một chút nữa, nơi mặt đất dừng lại, dòng nước sẽ rơi xuống vực và bên dưới là thung lũng nằm trọng bóng tối mênh mông. Tôi đang trôi và đang mất đi, đang trôi mãi về nơi mặt đất sẽ dừng lại…”
Trên đây là một trích đoạn trong Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng.
Mục Lục:
Sau ngày mù sương
Tình yêu đã chìm sâu hơn đáy của nỗi buồn
Quyển sổ
Nửa trang giấy
Trong sương
Câu chuyện của người trực đêm khách sạn
Những chuyến tầu đến Lunberg
Đôi mắt của Marcus
Sophie
Người cha nuôi
Người cha
Những nốt nhạc là những cánh bướm ma
Em, anh và cha
Cây đàn hồ cầm của Anita
Tuổi thơ nào cho Marcus
Đêm dài không chiêm bao
Và khi tro bụi rơi về.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
(Ngày 30/04/2006)
Dư âm hạnh phúc trong hàng loạt giải thưởng từ các liên hoan phim trên thế giới với Hạt mưa rơi bao lâu chưa tan, đạo diễn Đoàn Minh Phượng lại tiếp tục đón nhận niềm hạnh phúc mới – đứa con tinh thần mà chị thai nghén nhiều năm ra đời: Và khi tro bụi (NXB Trẻ)- tiểu thuyết đầu tay của một phụ nữ với những u uẩn của tâm hồn.
. Phóng viên: Chị vui lòng cho biết tiểu thuyết này chị hoàn thành trong bao lâu?
– Đạo diễn Đoàn Minh Phượng: Tôi mất hơn 2 năm dồn sức vào tác phẩm này. Đã có lúc tôi bỏ hẳn nó trong một thời gian, rồi lại chắp bút, sắp xếp lại từ đầu.
. Đó có phải là khoảng thời gian chị bị bế tắc trong văn học rồi chuyển sang làm phim Hạt mưa rơi bao lâu?
– Không! Tôi bị bế tắc lúc khai triển ý tưởng của Hạt mưa rơi bao lâu thành tiểu thuyết. Đó là một câu chuyện hầu như không có thoại cũng không có phân tích tâm lý nên cần phải được kể bằng hình ảnh, tức là phim. Ở tiểu thuyết này, lại là một giai đoạn khác. Và khi tro bụi bắt đầu từ sự thôi thúc trong bản thân tôi.
. Và khi tro bụi và Hạt mưa rơi bao lâu đều bắt đầu từ cái chết? Đây là…?
– Nỗi ám ảnh. Năm lên 10, bất ngờ, tôi chứng kiến cái chết của cha mình khi cha cách tôi chỉ mươi bước chân. Chiến tranh mà, tên bay, đạn lạc. Trong mắt đứa trẻ tôi lúc đó, cha là vô tận. Vậy mà… Bất ngờ đến mức tôi không thể chấp nhận được sự thật đó. Mãi đến hơn 10 năm sau, tôi mới dám nhắc đến chuyện đau lòng này. Khi đó, tôi đã khóc òa như đứa trẻ lên 10. Người đàn bà trong Và khi tro bụi cũng thế. Chị ta không thể chấp nhận được cái chết nên nỗi đau cứ dồn ở một góc kín nào đó trong lòng.
. Nghĩa là nhân vật An Mi trong truyện chính là tác giả?
– Kinh nghiệm và tình cảm là những thứ khó hư cấu được. Ở câu hỏi này, tôi xin trả lời, chuyện là không thật nhưng tình cảm là thật.
. Giữa An Mi trong truyện và Lý An trong phim dường như có những điểm khá tương đồng?
– Đúng! Dù hai nhân vật cách nhau về thời gian, quan niệm sống… nhưng giữa họ có sự tương thông giữa những phụ nữ bơ vơ và điểm chung là sự kín đáo. Đó cũng là đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Điều này, phải sống nhiều năm ở nước ngoài mới cảm nhận hết được.
. Điểm đặc trưng ấy đã gợi nhớ quê hương và khiến chị quay về? Chị có phải đánh đổi?
– Quay về, với tôi không phải là sự lựa chọn. Bản thân tôi bảo thế. Về là về thực sự. Về trong cương quyết. Nó là sự quyết định, cho bản thân. Mười năm sống lại trên quê hương chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc mình về là đúng hay sai. Tôi hạnh phúc trong quyết định của mình.
. Ở hai ngành nghệ thuật, một là nghệ thuật hình ảnh, một là nghệ thuật ngôn từ, chị có thấy hai lãnh vực này bổ sung cho nhau?
– Với tôi, chúng khác biệt như trời- vực. Viết văn là tạo dựng một câu chuyện bề mặt để tất cả ý nghĩ của mình rũ xuống, đi sâu dưới bề mặt đó. Tựa như tạo ra một cái móc áo để chiếc áo rũ xuống. Người đọc cảm nhận độ rũ xuống từ chiếc móc và cái áo. Còn làm phim, chỉ là sự dàn trải của hình ảnh. Người xem phim ít dùng đến trí tưởng tượng vì người làm phim đã tưởng tượng giùm họ rồi.
. Nói như thế, viết văn khổ hơn làm phim nhiều lắm?
– Có thể hiểu như thế. Những ngày làm phim, tôi leo rừng, lội suối, tất tả… nói chung là có sự tham gia của lao động chân tay. Còn viết văn chỉ ngồi, viết. Chỉ là 24 chữ cái nhưng mình sắp xếp nó theo mã riêng của mình. Nắm bắt được chìa khóa của mật mã đó, người đọc và tác phẩm sẽ có sự giao cảm. Tôi yêu lao động làm phim và kết quả của viết văn.
. Nghĩa là…?
– Văn học là một đối thoại rất riêng giữa người viết và người đọc.
. Trong tương lai, chị sẽ toàn tâm viết văn hay tiếp tục theo đuổi việc làm phim?
– Hiện giờ, tôi vẫn chưa lựa chọn được nhưng một lúc nào đó có lẽ chỉ có thể theo đuổi một thứ. Ta không nên tham lam. Tôi không còn trẻ để thử, làm việc gì thì cũng phải làm cho đàng hoàng, phải đi đến cùng chứ!
. “Và khi tro bụi rơi về/Trong thinh lặng đó cận kề quê hương”- Lời đề từ cho tiểu thuyết chị lấy từ đâu?
– Tôi bắt gặp câu thơ này của Henry Vaughan, khi cuốn tiểu thuyết này đang ở đoạn kết. Từ đó mà ra tên tác phẩm. Điều buồn cười là một dịch giả nào đó đã chuyển ngữ câu thơ này sai hoàn toàn với ý thơ ban đầu. Tôi thấy tiếc, dịch lại và dùng làm lời đề từ cho tiểu thuyết của mình.
–
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn