Với tuổi 90, nhà văn Phạm Tường Hạnh vẫn miệt mài cho tác phẩm của mình. Ông chỉ tiếc hơn 100 tiểu luận đăng trên tuần báo Văn Nghệ TPHCM hồi mới giải phóng (1975) cùng những bút ký, ký sự, truyện ngắn đăng rải rác khắp nơi, rồi căn nhà bị bom B52 phá tan tành, trong đó có một số tác phẩm của ông không có điều kiện tập hợp nên đành để cho thất lạc. Nhưng với tuyển tập tái bản kỳ này, nhà văn Phạm Tường Hạnh đã cho ra mắt 1.126 trang khổ lớn (16 x 24) cũng đã cống hiến bạn đọc một công trình đáng nể. Chính nhà văn Triệu Xuân đại diện Nhà xuất bản Văn học phía Nam đã nhìn nhận: “Càng cao tuổi, Phạm Tường Hạnh càng viết khỏe. Bởi quá trình chuẩn bị tư liệu đã hoàn tất, cảm xúc đã chín, không viết ra thì hết chịu nổi. Đọc những tác phẩm sau này của Phạm Tường Hạnh, tôi mừng cho ông. Bố cục chặt chẽ hơn, câu văn ngắn gọn hơn, súc tích hơn, kiệm lời mà ý tứ sâu rộng, hình ảnh đã được sử dụng nhiều hơn khi diễn đạt…”. Chẳng vậy mà nhà văn Anh Đức đã viết: “Phạm Tường Hạnh có một tuổi thanh niên sôi nổi trong hào khí Cách mạng Tháng Tám, rồi sau đó là cuộc chống Pháp, tiếp đến một cuộc chống Mỹ – với hơn nửa thế kỷ tham gia cách mạng, trải qua giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, với bao gian khổ, đau thương và tự hào. Nhờ được tắm mình trong dòng chảy vĩ đại, hòa mình và chứng kiến bao sự kiện và bao con người mà ông từng chiến đấu chung, cùng chia sẻ ngọt bùi, ông đã ghi lại dưới thể loại bút ký lịch sử… về những sự kiện những con người ấy… Thế hệ cùng lứa tuổi với tác giả sẽ nhìn thấy hình ảnh mình trong đó… Các thế hệ sau thiết tưởng cần được biết, được thấy. Dù chỉ qua ngôn từ, cha anh mình một thời gian khổ cứu nước, để biết quý, biết trọng những gì mình có được từ sau 1975. Một thời hòa bình được đánh đổi bằng rất nhiều xương máu…”. Giáo sư, tiến sĩ Mai Quốc Liên cũng đã từng ghi nhận: “Với sức làm việc, một tâm huyết, một hiệu quả ở tuổi 80 (năm 1998) của nhà văn Phạm Tường Hạnh thật đáng nể trọng… Đó là một tấm gương của một ngòi bút mà như ông tự nhận, suốt đời viết vì cánh mạng, vì kháng chiến, vì sự nghiệp của nhân dân, Tổ quốc mình mà ông dấn thân từ ngày Mặt trận Bình dân (1936), Nam bộ Kháng chiến (1945)…”. Trần Bạch Đằng, nhà nghiên cứu, từng khen ngợi khi Phạm Tường Hạnh cho xuất bản tiểu thuyết Ký sự Anh hùng Phạm Ngọc Thảo (năm 2000): “Phạm Tường Hạnh với gần 200 trang sách viết về Anh hùng Phạm Ngọc Thảo… đã bỏ nhiều công sức sưu tầm tư liệu và gặp gỡ nhiều người, qua người thật, việc thật để dựng lên chân dung thật của nhà tình báo xuất sắc Phạm Ngọc Thảo từ thuở ấu thơ cho đến ngày hy sinh. Thành công của tác phẩm là ở chỗ ấy…”. Những đánh giá trên đây thực xứng đáng với những gì cuộc đời nhà văn Phạm Tường Hạnh đã trải qua. Tháng 5-1975, ông tới dự tiệc họp mặt với đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Thủ tướng Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam về tiếp quản Sài Gòn; ông đã tha thẩn trên sảnh đường, dọc hành lang… khách sạn Majestic. Những hình ảnh cũ lại hiện về trong ông: Sau cuộc bãi công chống đàn áp Khởi nghĩa Nam kỳ của nhân viên khách sạn, cảnh sát Pháp ập tới, ông đã cởi bỏ bộ đồng phục màu trắng có hàng khuy đồng 5 chiếc của nhân viên bước ra khỏi cửa khách sạn Majestic. Ba mươi lăm năm đã đi qua, trước vận hội lớn của đất nước, không hạnh phúc nào bằng. Phạm Tường Hạnh dốc lòng với công việc viết báo, viết văn, phục vụ tuần báo Văn Nghệ TPHCM những ngày đầu giải phóng tới ngày về hưu. Sau những ngày lang thang hè phố Sài Gòn, tới tối về thuê chiếc ghế bố trong hẻm gần chợ Bến Thành, lầy lội hôi hám, ông lại cầm bút và được các ông Mai Văn Bộ, Trần Bửu Kiếm đề cử làm biên tập viên Báo Tiền Phong, cơ quan của Đoàn Thanh niên Tiền Phong Nam bộ… Một chặng đường dài mấy chục năm trời. Ngòi bút sắc sảo của ông như một nhân chứng bằng vàng, đã cống hiến cho bạn đọc những tác phẩm không thể nào quên. Phạm Tường Hạnh đã viết bằng chính cuộc đời thăng trầm, trắc trở, đi vào số phận của từng con người, những sự việc mà ông không chịu để cho đời quên lãng. Tháng 3-2008 Trọng Tư |