Văn học dân gian Việt Nam gồm hai phần lớn; Phần truyện ( thần thoại , truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười ) và phần tục ngữ, ca dao , dân ca.Phần tục ngữ , ca dao và dân ca là phần đặc biệt phong phú. Chỉ kể dân ca mỗi địa phương cũng đã có những loại dân ca riêng của mình, như Hà – Bắc có quan họ Bắc Ninh, Vĩnh Phú có hát xoan, hát ghẹo, Phú Thọ, Nam – Hà có hát giặm ; ngoài ra còn có hát về các nghề ( như hát phường vải, phường cấy, hát dân chài…), hát đúm,hát ví, hát trống quân, hát xẩm rải rác ở nnhiều nơi. Có thể nói mỗi vùng có một vài loại dân ca riêng biệt.Còn tục ngữ, thành ngữ, ca dao, câu đố cũng phong phú vô cùng, từ vùng này sang vùng nọ đã có những câu khác nhau, nhiều câu cùng một nôị dung nhưng lời hoàn toàn khác nhau , một số chi tiết cũng khác do điều kiện địa lý và phong tục tập quán.
Quyển Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam này được tác giả sưu tầm một phần ở địa phương và qua nhiều anh chi em văn nghệ ở các địa phuong khác rất phong phú: nó có phần của miền Nam Trung – bộ,miền Bắc Trung – bộ ,nó có phần của Nam – bộ , của Bắc bộ và cả một ít tục ngữ ca dao của đồng bào miền núi; đồng thời tác giả đả lựa chọn một số tục ngữ, ca dao và dân ca đã in trong các sách báo xuất bản ở miền Bắc và miền Nam.
Những tục ngữ, ca dao, dân ca sưu tập trong quyển này đều xuất hiện từ thời kháng chiến chống pháp trở về trước. Những tục ngữ, ca dao ,nhất là ca dao xuất hiện từ ngày hoà bình được lặp lại (1945) đến nay có nhiều biến đổi cả về nội dung lẫn hình thức.
Nội dung của sách được tác giả chia làm 6 phần:
Phần 1: Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, nói về nội dung và hình thức nghệ thuật của tục ngữ, ca dao, dân ca và mối liên quan giữa những loại hình văn học dân gian này với văn học thành văn.
Phần 2: Quan hệ thiên nhiêntục ngữ ca dao trên quan điểm lao động, từ chổ con người ta mới đầu còn tin nhiều ở sức trời, cho đến chổ dần dần càng tin ở sức mình…rồi cuối cùng là quyết tâm vượt khó lao động cải tạo được thiên nhiên, đem lại đời sống vui tươi cho xã hội…
Phần 3: Quan hệ xã hội nội dung các câu ca dao, các bài tục ngữ được tác giả chia ra thành các mục như: Tình yêu nam nữ,Hôn nhân và gia đình, Tư tưởng của nhân dân đối với giai cấp phong kiến, đối với thực dân xâm lược và sau đó đến mục Ca dao kháng chiến chống Pháp.
Phần 4 : gồm một chương về Dân ca.
Phần 5: là chương về Tục ngữ, ca dao của đồng bào miền núi .
Phần 6: là phần kết luận.