Tập truyện ngắn của tác giả Đỗ Kim Cuông "tập hợp" trong mình những truyện ngắn đặc sắc: "Đảo chắn sóng", "Người chăn dê ở Thung Cò", "Thương nhớ mai vàng", "Chuyến phà đêm cuối năm", "Xóm nhỏ cuối ghềnh"… với những giờ phút dằn vặt, đối diện với chính bản thân mình để tự vấn về niềm tin, về cuộc đời, và về cả những "khái niệm" tưởng chừng là chân lý, nhưng khi đã qua trải nghiệm hoặc chịu nhiều thử thách trong cuộc đời, hay khi về già, người ta lại phải ngồi suy ngẫm lại…
"Tôi ngồi và ngẩn ngơ nhìn xuống đất. Nắng vẫn còn rải vàng trên những mái nhà bên kia dãy phố nhưng dưới con đường đá được phủ bởi hàng cây xà cừ trở nên im mát. Tôi ngồi ẩn sâu dưới giàn hoa giấy. Tôi buồn. Một nỗi buồn cứ bâng khuâng, xao xuyến không rõ ngọn nguồn, phần nhiều là do khí sắc thiên nhiên đem lại. Những lúc ấy, tôi chỉ sống bằng hoài niệm với những ký ức xa vời, tưởng như những hình ảnh đã bị thời gian đào thải, cuộc sống hiện tại với bao nỗi lo chôn vùi, lại chợt sáng rõ mồn một, cứ ngỡ như mới ngày nào gần đây…" – Tự thú của người gác rừng.
"Nhưng tao không chịu nổi sự ức chế trong đầu óc mình. Nhiều đêm nằm trên boong tàu giữa cảnh trời yên biển lặng, tao thức trắng, ngửa mặt đếm sao trời trong cái màn đêm huyền ảo hắt lên vô vàn ánh lân tinh. Nhìn mỏi mắt những chòm sao ấy đang dần hiện hình thành nên khuôn mặt của những thằng bạn lính đặc công của tao nằm phơi xác ở hàng rào Cam Ranh năm nào? Chúng tao chết để cho chúng mày sống trở thành những kẻ dối lừa, ăn cắp? Sự sung sướng của bản thân mày đang dẫm đạp lên xương máu, miếng cơm manh áo của hàng vạn người khác" – Đò chiều.
Phần lớn các chuyện của Đỗ Kim Cuông là những hồi ức về chiến tranh, về những năm tháng không quên, về "một thời máu lửa", về những con người nơi trận tuyến với bao khía cạnh cuộc sống trong hoàn cảnh chiến đấu, hy sinh: cũng yêu thương, cũng chia sẻ, cũng đớn đau, mất mát, nhưng cũng rất thi vị, nên thơ, lãng mạn… và đi theo đó suốt quãng đời còn lại là nỗi nhớ, là kỷ niệm và day dứt khôn nguôi…