Xem sách hay

Truyện Ngắn Nữ Văn Nghệ Quân Đội Mới 2005 – 2006

Mua ở đâu?
Truyện Ngắn Nữ Văn Nghệ Quân Đội Mới 2005 – 2006:
“Ai cũng bảo, với tài năng và nhan sắc ấy, chị phải là phu nhân của đấng quân vương ấy chứ. Đằng này, anh Nhâm của chị, tuy mặt mũi sáng láng thật, nhưng ở bên chị, anh vẫn chỉ như cái bóng nhàn nhạt bàng bạc thế nào ấy. Chê anh lần đầu chị cười hiền hậu. Chê thêm lần nữa, chị lườm yêu, đôi mắt sắc như dao cau nửa như trách móc, nửa lại như nghèn nghẹn tủi hờn. Sao mà tiếc cái duyên con gái….. Nói thật, có gần gũi thân cận với gia đình chi, tinh ý lắm mới nhận ra điều đó chứ chị che chắn rõ khéo. Cái miệng tươi như nụ hoa lúc nào cũng dịu ngọt, một điều “nhà em” hai điều “nhà em”. Nhìn chị chăm chút cho bố con anh từ miếng ăn đến giấc ngủ, rồi lại chứng kiến cảnh chị âm thầm chịu đựng mọi khó khăn vất vả thường nhật, thật không công bằng chút nào. Thành phố đã hết đàn ông con trai đâu mà chị lại chọn cái lão nhà quê ấy không biết?

Chị cười:
– Thì chị cũng từ nhà quê lớn lên đấy chứ? Em xem, móng chân chị  còn nguyên ngấn phèn đây này – Nói thế rồi chị ôm vai tôi cầu hoà – Duyên phận mà em. Thật ra, anh ấy nhà chị rất tốt. Chỉ phải cái…..
Thì có ai bảo anh Nhâm không tốt đâu? Anh còn rất tốt là đằng khác. Nhưng đây là nết tốt của một anh chàng nhà quê quen nếp sống thô mộc đến mức đơn giản tuỳ tiện. Người ta đã tổng kết và rút ra kết luận: Gia đình nào thì văn hoá ấy. Thế mới biết, nền tảng gia đình là vô cùng quan trọng. Chị sinh ra ở nông thôn, nhà chị rất nghèo. Cái nghèo chẳng làm nên tội nhưng nó khiến chị sớm trưởng thành. Mẹ chị thường dạy: Là con gái, phải ý tứ. Người ta chỉ nhìn vào cái bếp là biết ngay con gái nhà ấy có nết na chắn vén hay không. Được đứa con nhanh ý, chỉ cần nghe hàng xóm dạy con họ là đã biết mình phải làm gì. “Dạy con mình, con hàng xóm khôn” là thế. Vốn sáng dạ nên chị học cái gì cũng nhanh. Nhất là những kinh nghiệm đối nhân xử thế của mẹ, những nết ăn ở tốt đẹp trong dân gian. Mà điều ấy thì có gì to tát đâu. Ví như, đã là đàn ông phải đủ mạnh làm trụ cột gia đình, phải biết lo toan những việc lớn lao đại sự. Riêng đàn bà, ngoài việc quán xuyến bếp núc buồng the, quản lý cơm áo gạo tiền còn phải biết giữ hoà khí trong gia đình, biết kính trên nhường dưới. Vợ chồng, muốn có hạnh phúc phải yêu thương và trọng nhau như khách. Biết cảm thông và chia sẻ với nhau mọi lúc vui buồn chứ không nên hơn thua nhau. Rồi cả cái sự nhịn nhường cũng phải học cho đến nơi đến chốn. Nhịn chồng không ai chê cười bao giờ. Gì chứ những câu ca dao nói về văn hoá ứng xử thì chị thuộc nằm lòng. Khi còn là cô bé lên mười, chị đã tỏ ra thạo việc và biết cách sắp đặt mọi vật dụng trong nhà thật quy củ, ngăn nắp để khi cần có thể nhắm mắt chị cũng tìm được vật cần lấy.

Nhà chị đun nấu bằng rơm, rạ hay lá khô thì vẫn cứ sạch tinh từ trong bếp ra đến ngoài sân, không hề có gio trấu vương vãi. Chị không bao giờ bước qua chiếc dây phơi thấy đồ rơi mà không nhặt, qua vũng nước mà không quét, qua bãi phân gà mà không hót. Không gì ngang tai trái mắt chị tự giác dọn cho kỳ sạch mới thôi. Chị làm mà không cần ai đôn đốc nhắc nhở. Làm một cách đáng khen chứ không phải làm để được khen. Ngồi xuống mâm cổ, chị ý tứ quan sát xem người ta thái miếng xào miếng luộc vuông tròn dầy mỏng ra sao, bày mâm thế nào và tra những gia vị gì để có dịp sẽ thể hiện. Chả thế mà cả làng trên xóm dưới đều biết tiếng cô gái đẹp người tốt nết, vừa chăm chỉ vừa đảm đang lại giàu lòng nhân ái là chị. Mười lăm tuổi, chị đã là lao động chính trong nhà. Mọi việc đồng án như cấy hái gặt đập chi đều rất thạo. Hễ bước chân xuống cánh đồng nào thì tiếng cười theo chị đến đó. Xong ruộng nhà mình, chị sà xuống ruộng hàng xóm. Miệng nói tay làm cứ như việc của nhà mình. Gớm, đang giữa trưa nắng, bụng đói, miệng khát, lưng lại đau như dần thì có người cấy đỡ cho một vài đon mạ, ai chẳng quý? Hễ có dịp giúp được ai là chị chẳng từ nan. Công việc làng xã bao giờ chị cũng xông xáo đi trước về sau. Tóm lại, chị đại diện cho sự hoàn hảo hiếm hoi mà những đứa con gái như tôi theo mướt chẳng kịp. Tốt nghiệp phổ thông, chị vào trường Mỹ thuật công nghiệp. Ngôi trường dành cho con trai nhiều hơn là cho con gái dịu dàng như chị. Nhưng chị lại học rất giỏi. Ra trường, chị nghiễm nhiên được giữ lại Hà Nội và ở một vị trí mà với chúng tôi, đó là một niềm mơ ước lớn lao: Vẽ tranh minh hoạ cho một tạp chí khá nổi tiếng. Những nét vẽ độc đáo sinh động của chị đủ đíều kiện để chị trụ lại thành phố đông dân gần như nhất nước này. Vừa tươi tắn lại vừa tài hoa, chị là thần tượng của rất nhiều người. Vậy mà chị lại chọn anh. Trớ trêu ở chỗ: anh đã từng có một đời vợ và bây giờ anh đang một mình nuôi một bé trai mới tròn ba tuổi. Lấy anh, chị chấp nhận một gia đình chấp nối đèo bồng và đang có hàng hà sa số khó khăn. Cái lũ con gái tầm tầm như tôi cũng chẳng chịu làm vợ một người như anh chứ nói gì đến chị. Thế mà một người như hoa như ngọc lại chịu nuôi con cho anh, vì anh mà héo hon tàn tạ thử hỏi ông trời có cay nghiệt không?……” (trích “Duyên phận”)

Mời bạn đón đọc.
 
Mua ở đâu?