Xem sách hay

Truyện Ngắn Hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật 1999 – 2002

Mua ở đâu?
Truyện Ngắn Hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật 1999 – 2002 giới thiệu đến bạn đọc 24 truyện ngắn đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần từ năm 1999 – 2002 của các tác giả: Lê Văn Thảo, Châu Giang, Nguyễn Ngọc Tư, Đoàn Thạch Biền… Qua từng truyện ngắn bạn đọc có thể bắt gặp mình ở đâu đó với những hỉ, nộ, ái, ố… vốn dĩ thường trực trong tâm thức mỗi người.

Mời bạn đón đọc.

Truyện Ngắn Hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật 1999 – 2002
(Thứ Sáu, 27/04/2007)

24 truyện ngắn, mấy mươi phận người

TT – Tập truyện ngắn hay TTCN số 3 (năm 1999 – 2002) vừa ra mắt công chúng vào những ngày cuối tháng tư này. Trước đó, hai tuyển tập số 1 (năm 1996-1998) và số 2 (2003-2005) đều được tái bản thêm nhiều lần.

24 truyện ngắn trong tuyển tập này chẳng khác nào những dòng chảy âm thầm giữa bao thác ghềnh cuộc sống. Tuy lặng lẽ nhưng tiềm tàng một nội lực hùng hậu. Nó phản ánh một cách tinh tế sự đa chiều trong từng thân phận con người.

Ở đấy, mâu thuẫn trong chiều sâu nội tâm từ mỗi thành viên trong gia đình được “đào xới” tận cùng (Khu vườn bất tận, Thưởng trăng, Ngôi nhà không có đàn ông…). Những câu chuyện về tình yêu mang nhiều phong vị khác nhau. Có lúc thanh thoát, lãng mạn (Một mùa thu ở Rennes), song có khi cay đắng, dập vùi (Sắc tím), thậm chí nhuốm chút màu sắc triết học (Chín phẩy năm). Tâm trạng day dứt, trăn trở và nỗi niềm hoài cổ của những người con Việt xa xứ cũng ít nhiều được khắc họa sống động (Chiếc lá hình giọt lệ, Ông già từ Busan, Về nhà…).

Cứ thế, lần lượt 24 truyện ngắn như 24 tập phim quay chậm, thể hiện qua những ngôn từ sâu lắng, giàu biểu cảm sẽ đồng hành và chia sẻ những giờ phút thư giãn thật bổ ích, thú vị với bạn đọc khắp nơi. Phần lớn tác giả trong tập này đảm bảo thêm cho thương hiệu “Truyện ngắn Tuổi Trẻ Chủ Nhật” (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần): Lê Văn Thảo, Đoàn Thạch Biền, Vũ Hồng, Quế Hương, Bích Ngân, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, Nguyễn Thị Châu Giang, Liêm Trinh, Trang Hạ, Trương Thị Thanh Hiền, Đinh Thu Hương…

PHƯƠNG KHANH

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Truyện Ngắn Hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật 1999 – 2002

Truyện ngắn hay tuổi trẻ chủ nhật

(Ngày 30-04-2007)

Đọc 24 truyện ngắn được chọn trên Tuổi Trẻ Chủ nhật từ năm 1999-2002 bạn đọc sẽ thấy có những truyện ngắn hay khiến ta phải nhớ hoài. Bạn đọc yêu mến truyện ngắn trẻ, hẳn đã từng thú vị khi đọc Khu vườn bất tận của Nguyễn Ngọc Thuần, Cái nhìn khắc khoải của Nguyễn Ngọc Tư, Đồng cỏ xanh đã mất của Trang Hạ, Một mùa thu ở Rennes của Dương Thụy v.v…

Truyện ngắn Khu vườn bất tận của Nguyễn Ngọc Thuần được in trên Tuổi Trẻ Chủ nhật vào năm 2002, đây là giai đoạn anh viết khá sung sức và “chắc tay” nhất, thể hiện một khả năng chọn lọc chi tiết khá tinh tế và triển khai suy tưởng mạnh mẽ. Truyện ngắn Cái nhìn khắc khoải cũng là một truyện ngắn hay, khá tiêu biểu cho phong cách của Nguyễn Ngọc Tư. Đọc Cái nhìn khắc khoải, bỗng nhớ hoài hình ảnh con vịt Cộc. Dường như Cánh đồng bất tận sau này là một sự gợi ý, triển khai, bổ sung từ Cái nhìn khắc khoải trước đó?!

Nếu như các cây bút trẻ có sức hấp dẫn tươi mới thì các cây bút “già” trong tập truyện này lại thể hiện một sự sắc sảo gần như giản đơn. Nhà văn Lê Văn Thảo viết truyện Diễn viên đóng thế như tưng tửng giỡn chơi mà ngẫm thấm thía. Phàm ở đời cái gì thật, cái gì tốt chưa hẳn đã là hay. Tuy nhiên, với anh chàng diễn viên đóng thế kia thì cuộc đời đôi khi đơn giản một cách đáng yêu: “Nhiệm vụ của tôi như vậy mà, không có gì tốt hơn cũng đâu có gì xấu hơn”.

Trong tập sách này, còn nhiều truyện hay khác, như Về nhà (Phạm Thị Ngọc Liên), Chiếc lá hình giọt lệ (Quế Hương), Chín phẩy năm (Phạm Kim Anh), Ông già đến từ Busan (Vũ Hồng) v.v… Những truyện ngắn này có thể nói cũng là truyện “đinh” của mỗi tác giả khi họ chọn in tập truyện ngắn riêng.

VIÊT QUÊ

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Bị Thiêu Sống
(Thứ hai, 24/3/2008)
‘Bị thiêu sống’ – tiếng kêu thức tỉnh về quyền phụ nữ

Một cô gái quê sống ở ngôi làng hẻo lánh xứ Cisjordaine, Palestine, bị đánh đập dã man hàng chục năm, bị gia đình tẩm xăng đốt cháy vì không chồng có con. Tác phẩm ‘Bị thiêu sống’ là hồi ký rung động lòng người về tội ác với phụ nữ.

Cuốn hồi ký khá đặc biệt, bởi nhân vật chính không muốn nêu tên thật, không tiết lộ nơi ở hiện tại vì mối lo sợ bị truy đuổi và trả thù. “Một nơi nào đó ở châu Âu” và cái tên giả Souad là hai điều riêng nhất của người phụ nữ trong cuốn sách mà độc giả có thể hình dung.

Như phần lớn các cô gái sống ở vùng nông thôn hẻo lánh của Palestine, Souad chỉ được xem như là nô lệ trong gia đình. Cô cùng mẹ, các chị em gái phải làm việc quần quật từ sáng đến tối trên cánh đồng, trên vườn nhà, trong xó bếp, chuồng cừu… Chỉ cần cô gái nói chuyện với người đàn ông ngoài gia đình, cô ta sẽ bị kết tội là charmuta (con đĩ) và mang nỗi nhục suốt đời.

Khi nhận thức được cuộc sống quanh mình, Souad biết, sinh ra là con gái, điều đó có nghĩa là suốt đời phải cúi đầu vâng lệnh, nghe theo mọi chỉ dẫn, sai khiến của cha, anh em trai và sau này là người chồng.

Sống trong tuổi thơ khiếp hãi và bị ám ảnh về cái chết chỉ vì mình “không có cái ấy giữa hai chân”, Souad từng chứng kiến mẹ ruột của mình, vì trót sinh quá nhiều con gái nên những lần vượt cạn sau phải giết ngay đứa con lọt lòng, để chúng không trải qua nỗi tủi hổ khi lớn lên.

Đến độ tuổi vừa chín của người con gái, Souad không thể nào lấy được chồng chỉ vì người chị trước của cô chưa có ai ngỏ lời cầu hồn. Tuyệt vọng, cô tìm mọi cách quyến rũ một người đàn ông với mong mỏi anh ta giải thoát mình khỏi cuộc sống hiện tại. Nhưng kết quả cô gái mười bảy tuổi nhận được là: ba lần bị buộc làm tình trong sợ hãi, một bào thai, bị người tình bỏ rơi và sự trừng phạt “vì danh dự” của dòng tộc.

Jacqueline, một nhân viên của tổ chức nhân đạo Surgir (Thụy Sĩ) vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm để giải thoát cô gái bị chính gia đình tẩm xăng đốt cho kỳ chết. Souad được đưa ra khỏi Palestine và cô là một trong những nạn nhân ít ỏi còn giữ được mạng sống, dù phải từ bỏ quê hương vĩnh viễn.

Bên cạnh sức hấp dẫn đặc biệt từ thực tế rùng mình áp đặt lên người phụ nữ, Bị thiêu sống còn thu hút độc giả qua giọng văn giản dị, truyền cảm. Những đoạn miêu tả nội tâm của nhân vật lẫn miêu tả phong tục, sinh hoạt, nét văn hóa riêng của một làng quê Ảrập rất sống động, giàu hình ảnh.

Nhà văn Marie Thérèse Cuny, người cộng tác với nhân chứng Souad thực hiện cuốn Bị thiêu sống, nhận xét: “Souad là người phát ngôn cho tất cả phụ nữ trên toàn thế giới là nạn nhân của thứ luật hà khắc do đàn ông đặt ra. Cô chính là vị anh hùng. Tôi rất vinh hạnh là người chấp bút cho cô”.

Anh Vân

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Những bầy mèo vô sinh – Ước vọng và xót đau

(Thứ Sáu, 21/03/2008)
Một câu chuyện viễn tưởng chỉ nói về chuyện bồ câu và lũ mèo hoang, hình ảnh con người gần như mờ nhạt, nhưng Những bầy mèo vô sinh lại có thể khiến thế-giới-người phải giật mình. Bởi thoát ra khỏi thế giới bồ câu biết nói tiếng người và những con mèo hoang được nhân bản vô tính biết chụp vi ảnh để tàn sát loài người, thì câu chuyện chính là hai mặt giữa thiện và ác; giữa bình yên vô lo và đầy rẫy những mưu mô toan tính. Đó là hai mặt tồn tại song song, chỉ có trong thế-giới-người.

Thế giới bồ câu được “cây bút trẻ” Mạc Can miêu tả một cách sống động, tỉ mỉ và sâu sắc. Bầy bồ câu sống yên bình trong nhà kính; còn con người sống lẫn lộn giữa mèo nhà và bầy mèo vô sinh. Thật giả, thiện ác không phân định được. Ngòi bút Mạc Can châm biếm sâu cay cái phần “thoái hóa, biến chất” mà chỉ cần có cơ hội, là cả mèo và người đều có thể bộc lộ. Con mèo có khi “bước chân lên lề đường, hai tay chống nạnh, một tay vung lên dứ dứ hăm dọa, miệng nó cứ lầm bầm chửi” và sau đó nó cũng biết “bước đi uyển chuyển, hiền hậu dễ thương” như người. Ngược lại, con người có khi là “hình ảnh một con mèo đi hai chân, có hàm răng nhọn với mấy cọng râu” giương súng bắn chết một chú bồ câu tật nguyền, giết chết một giấc mơ. Sự giả tạo và đội những chiếc mặt nạ khác nhau của mèo và người không khác nhau.

Tác giả khéo léo đưa người đọc đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ những phát hiện, miêu tả về đặc tính của bồ câu, đến những so sánh và cảm nhận sâu sắc về cuộc sống. Bồ câu biết nói tiếng người, nhưng chỉ nói những từ tử tế, dễ nghe. Bồ câu không trêu chọc, không khinh khi, không nói tàn độc, không nói câu gì làm mất lòng ai. Bồ câu thật thà, không mâu thuẫn. Thế giới của bồ câu yên bình, trong veo và phẳng lặng. Nhưng cũng chính vì vậy mà thế giới đó bị bầy mèo vô sinh xâm chiếm. “Lũ mèo lội qua sông đen ngòm” áp đảo và xé nát cái khoảng không yên bình.

Cuộc chiến chấm dứt, xóm Bồ câu đã nằm dưới những cánh chim. Người ta đi tìm, chỉ thấy cái xóm yên bình trong veo này nằm “li ti tận chân mây”. Có khi, nó hiện lên trong sương sớm rồi lại biến mất khi trời đổ nắng. Cái xóm Bồ câu- mong ước của con người về một thế giới yên bình mãi mãi, không có chiến tranh, tội ác và những mưu mô toan tính – chỉ là một thiên đường hư ảo nằm ở phía chân trời. Con người có thể đi hết cuộc đời, cơ may mới tìm thấy được.

Ước vọng và nỗi xót đau không phải chỉ của riêng nhân vật trong tiểu thuyết. Người viết gần như đã gửi vào đó những đau đáu trở trăn khi “thời gian không trôi qua như bóng chim mà cuốn tròn trở lại”; những xót xa ngậm ngùi khi không thể phủ nhận rằng “nhà viết tiểu thuyết nào cũng bi quan về mình, nhưng họ lại viết khác. Cuộc đời khác trên trang giấy mới đáng sống”; và những cay đắng bất lực trước những chuyện không thể thay đổi của cuộc đời “Mọi sự qua mau không thể tưởng. Không kịp tiếc nuối”. Chỉ có bầy mèo vô sinh là sống bền bỉ lâu dài…

Tiểu Quyên

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?