“… Thời gian trôi qua. Bà Bích và ông Cư ngày càng bị cuốn theo những làn sóng sôi nổi của cuộc sống hiện đại. Còn bà Nhài ngày càng cũ kỹ, lặng lẽ cùng với ngôi nhà. Những bức tường phai màu dần, những đồ đạc sơn mòn dần, và bóng cây xà cứ trũi xuống dần như một tấm lưng còng đượm vẻ buồn trắc ẩn.
Bà Bích vẫn đi nhảy thi đua với ông Cư, bà cũng có bồ nhí. Một lần, trong buổi chiều chạng vạng, sau khi đi đâu về không rõ bà sà vào cạnh bà Nhài, vừa nói mắt vừa rực lên đầy kích động: “Chị Nhài này, chị có biết không, chả cógì bằng đồng tiền chị ạ. Bây giờ em mới hiểu thằng già nhà mình nó cứ chết mệt với mấy con ranh con. Yêu đương để có tiền bao giờ cũng sành điệu hơn yêu đương cho không. Này nhé. Thằng bồ của em vừa trẻ, vừa “chiến”, hôm nay nó làm em tới năm bận. Mà tính ra cũng chỉ mất có mấy trăm ngàn. Sướng hơn lên tiên. Thử hỏi suốt mấy chục năm đầu tắt mặt tối, vun vén hầu hạ, sinh con đẻ cái cho thằng dê già em đã bao giờ được như thế chưa? Chị nghĩ mà xem ôsin còn có lương chứ chị em mình bao nhiêu năm không những không có lương mà còn phải mang lương về cung phụng cho gia đình. Thật dại quá”. Bà Nhài mỉm cười, bà buông que đan, nhìn bà Bích một thoáng rồi lại đan tiếp. Những ngón tay mải miết buông mũi, vắt sợi, pha màu. Bà đang tạo một đường hoa văn tương đối phức tạp và đẹp mắt.
“Tiếc là chị không chơi được nhỉ. Chứ không đem đưa chị đi ngay. Tiền thằng già đưa về cũng là tiền cướp của thiên hạ ấy mà, không xài phí thì để làm gì”. Bà Bích vừa cười vừa ngó nghiêng vào gương, chum chúm cặp môi xăm màu mận chín đã hơi thâm lại. “Mình phải bảo con Huyền xăm lại môi mới được” – bà tự nhủ.
Bà Nhài lặng lẽ nhìn theo bóng bà Bích mờ ảo trong gương. Cặp mắt bà phẳng lỳ như mặt nước hồ lặng gió và rợp bóng lá, giấu kín mọi ý nghĩ và cảm xúc. Không hiểu trong tiềm thức xa xưa của bà có thức dậy dù chỉ một đốm lửa nhỏ của thời thanh xuân đã qua?
Thế rồi tới một ngày, bà Bích từ đâu lao về nhà, gieo mình lên đi văng và khóc nức nở. Bà Nhài trong đôi que đan nhìn bà Bích một lúc, rồi lại đan tiếp. Chiếc áo này bà đan đã rất lâu, đan rồi lại tháo ra, và vẫn chưa biết cho ai. Sau mỗi lần tháo ra đan lại chiếc áo lại càng đẹp, càng độc đáo kỳ lạ.
Bà Bích khóc chán thì bật chồm dậy, tuôn một tràng: “Thật không có tội gì khổ bằng cái tội già. Hôm nay em kiếm được một thằng nhà quê vừa trẻ vừa ngoan lắm. Nó vừa nằm với em vừa run. Nó bảo số tiền em cho nó, ở nhà nó phải làm cả mấy tháng mới kiếm được. Nghe nói nó ở trong núi, toàn phải đi nổ mìn lấy đá. Nhà có ba anh em thì một thằng đá đè chết mất xác, thằng thứ hai đi đào vàng bị bọn đàn anh hành cho thành ngớ ngẩn, nó là con út phải ra thành phố làm cựu vạn kiếm tiền nuôi bố mẹ. Nhưng dạo này công việc ế ẩm quá nên cũng đói. Nó cứ rúc vào em như thể em là mẹ nó ấy. Nhưng mà không làm sao “chiến” được, nó phát khóc lên và nói – cháu van cô, cô thương tình cho cháu khất lần sau, cháu không phải con người quay quắt đâu. Em đành dở khóc dở cười cho nó ít tiền và đuổi nó về. Nhưng khi nhìn nó quay đi thở phào, em biết nó ghê em chị ạ. Thật là bao nhiêu cái trẻ trung đẹp đẽ thì thằng dê già nhà mình hốt sạch rồi còn đâu…” (Trích đoạn: Những chiếc áo len).
Mục lục:
Những chiếc áo len
Cõi thù hận
Mật chuột
Trên từng cây số
Nghe gió hun hút thổi
Thảo nguyên
Con đường vô tận
Anh Chí thời nay
Hoa dại
Một cuộc đua
Con dâu tôi
Ngày cuối
Sướng ngọt
Nàng công chúa té giếng
Giang
Trăng vỡ
Sự cố về ruồi
Nắng xa nhà
Chuyện tình Blog
Người quản trang
Khối u
Thế giới đàn ông ngọt ngào
Lỡ chuyến
“Giải đen”
Tắc đường
Qua mùa lá rụng
Chợ chết
Chuồn chuốn đạp nước.
Mời bạn đón đọc.