Mặc dù truyện ngắn "Trăng nơi đáy giếng" được Trần Thùy Mai viết từ năm 2000 và sau đó chị đã ra mắt nhiều tập sách, nhưng ít ai biết rằng đây là lần đầu tiên tên truyện ngắn này được dùng làm tên chung cho một tập sách mới – "Trăng nơi đáy giếng", vừa được NXB Thanh Niên và Phương Đông Books ấn hành.
22 tác phẩm trong tập sách "Trăng nơi đáy giếng" được nhà văn Thùy Mai đặt cho những cái tên khơi gợi. Nào "Thương nhớ hoàng lan", "Thuyền trên núi", nào "Quỷ trong trăng", "Nàng công chúa té giếng", "Thể Cúc"… Vậy mà chị đã chọn "Trăng nơi đáy giếng", một tựa đề đã quá quen thuộc với độc giả.
Đó là những tác phẩm tiêu biểu nhất của chị, lại đậm chất Huế – nơi Trần Thùy Mai đang sống và viết văn. Từng hàng cây ngọn lá, chùa chiền, sông núi, lớp lớp trầm tích thời gian, văn hóa, lịch sử nơi đây đã thấm đẫm vào tâm hồn chị. Để từ đó, mỗi câu văn, mỗi truyện ngắn Trần Thùy Mai viết ra đều mang đậm hơi hướng xứ sở sông Hương, núi Ngự, của tiếng hát cung đình, của chốn "sương khói mờ nhân ảnh".
Sẽ còn phải nhắc nhiều và ấn tượng với cô giáo Hạnh nền nã, ý tứ, tinh tế chiều chồng đến từng chi tiết trong "Trăng nơi đáy giếng". Một phụ nữ mà bất cứ người đàn bà nào cũng có thể lấy đó làm gương, bất cứ người đàn ông nào cũng ao ước có được một người vợ như thế. Không chỉ khéo vén vun cho từng bữa ăn, giấc ngủ, bộ quần áo của chồng, mà ngay đến việc chồng có vợ bé, con riêng, Hạnh cũng nhẫn nhịn để cho gia đình yên ấm. Không dừng lại ở đó, trước nguy cơ chồng bị mất danh tiếng, địa vị, Hạnh còn hy sinh cả danh phận của mình, chấp nhận ly hôn để chồng hợp pháp hóa vợ bé và hai đứa con. Rồi cuối cùng, cô đi vào đời sống tâm linh, thờ một ông hoàng chung tình làm chồng. Hay đi ngược thời gian, ngòi bút Trần Thùy Mai vẽ nên nàng Thể Cúc, con gái của Tùng Thiện vương Miên Thẩm tài mạo song toàn. Là con gái khuê các nhưng khi về làm dâu trong gia đình hàn nho, Thể Cúc hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng, lao động như một thảo dân. Đến khi chồng nàng – nho sinh Đoàn Trưng – dấy loạn, bị xử chết cùng với con trai, chỉ mình Thể Cúc được đặc xá nhưng nàng đã như bông cúc rũ tàn ở chính tuổi thanh xuân của mình…
Ai đọc "Trăng nơi đáy giếng" cũng hiểu Trần Thùy Mai dành nhiều tình cảm, xót thương cho những thân phận phụ nữ liễu yếu đào tơ thế nào mà trở thành quân cờ thời cuộc. Đó là Tống Nương ("Tống Nương"), là nàng Tấm ("Thần nữ đi chân không"), Quỳnh Thơ ("Lửa hoàng cung"). Những người phụ nữ ấy, dù là tuyệt sắc giai nhân chốn đế đô hay chỉ là thôn nữ quê mùa vùng xa xôi hẻo lánh, dù có thể chẳng bao giờ được sử sách nhắc đến nhưng cuộc đời của họ, số phận của họ mãi mãi được dân gian lưu truyền, để lại nghĩ suy trong lòng người đọc.
Không chỉ có những mất mát, đổ vỡ, chia ly gắn với xứ "mưa xối xả trắng trời", không gian, thời gian của các câu chuyện dù được mở ra ở bất cứ nơi nào, là Nhật Bản ("Nơi có cây tùng xanh biếc"), là Pháp ("Mưa ở Strasboug", "Dịu dàng như cỏ")… đều mang cái vẻ bảng lảng, dịu dàng rất Huế. Từng câu văn, từng thân phận con người cứ trải mênh mang, nhẹ bẫng mà khiến người đọc ám ảnh, xót xa đến tận đáy lòng. Lần giở những trang văn này, ta không thể không liên tưởng đến sông Hương, núi Ngự, đến tà áo tím bên cầu Tràng Tiền, đến người con gái Huế dịu dàng, kín đáo duyên thầm và một trời nước mang vẻ buồn buồn, lằng lặng.
Trong tập sách này, ngoài truyện "Trăng nơi đáy giếng" được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh và sân khấu, truyện ngắn "Gió thiên đường" cũng từng được dựng thành phim, thành kịch bản sân khấu.
Minh Tú
(Nguồn: Báo Hà Nội mới)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn