“Trúng số độc đắc” là câu chuyện về sự phá sản của giá trị con người trước mãnh lực đồng tiền. Bất cứ ai, một khi tiếp xúc với đồng tiền đều bị nó đè bẹp. Mọi nhân vật đều bị “đốt cháy” thành than đen, dù đó là thượng lưu trí thức hay kẻ hạ lưu vô học, là người thông minh hay kẻ dốt nát. Trước mãnh lực của tiền, tất thảy đều thuần phục một cách hèn hạ, không loại trừ thành phần, giới chức nào trong xã hội.
“Trúng số độc đắc” của Vũ Trọng Phụng cũng chỉ ra rằng: mọi sự ở đời đều có hai mặt. Đồng tiền tạo giá cho con người được thì nó cũng có thể lột bỏ chính những giá trị đó một cách dễ dàng. Suy cho cùng, cuộc sống, hay nói cụ thể hơn là cảm nhận về cuộc sống của con người lại cũng không tùy thuộc vào tiền bạc. Tiền bạc tuy có tạo điều kiện cho con người truy tìm và hưởng thụ lạc thú, song lại chứa đầy bất trắc. Tất cả những chuyện đó dẫn đến cái phù phiếm, vô lý và vô nghĩa của cuộc đời. “Trúng số độc đắc”, do đó là một tác phẩm chứa đầy những suy tưởng bi quan nhất của Vũ Trọng Phụng.
Trúng số độc đắc có đầy đủ mọi yếu tố của một “tiểu thuyết luận đề”. Tác giả đã tận dụng mọi cơ hội để phát biểu những suy ngẫm, quan niệm của mình về con người, về cuộc sống. Và cái cách thức thể hiện thật ra cũng đơn giản: dùng đồng tiền để thử. Khi “nhúng” các nhân vật của mình qua cái “dung dịch tiền “, ông hoảng hốt nhận thấy tất cả đều “bị đổi màu”.
Tiểu thuyết Trúng số độc đắc được Vũ Trọng Phụng viết năm 1938, lúc nhà văn 26 tuổi.
Mời bạn đón đọc.