Y Ban có nhiều ưu điểm, xét theo khía cạnh người cầm bút. Chị thẳng thắn và can đảm (nói ra được sự thật thì phải can đảm). Sách của Y Ban cũng có nhiều ưu điểm. Trò chơi hủy diệt cảm xúc, cũng như nhiều tác phẩm khác của Y Ban, có một điều tôi rất thích, đó là đời sống ngồn ngộn trong đó. Chi tiết sinh động, trực diện: chuyện ngoại tình, chuyện vợ chồng, chuyện cơ quan, chuyện đời… (Y Ban từng nói chị là "nhà văn của chi tiết, không phải của câu chữ"). Người viết phải là người không trốn tránh thì văn mới thẳng đuột như vậy.
Một cuốn sách "bốc mùi"
Nhà văn Y Ban
Nhưng nhiều ưu điểm không phải bao giờ cũng chắc chắn làm nên một cuốn hay.
Trả lời phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Thủy về Trò chơi hủy diệt cảm xúc, Y Ban nói, chị "không ngại để văn chương của mình có mùi… thum thủm". Thế nhưng, độc giả thì ngại. Có vẻ như văn Y Ban đã đến mức độ khiến người ta dị ứng. Diễn đạt hơi thô thiển một chút thì Trò chơi hủy diệt cảm xúc cũng là một cuốn sách rất… bốc mùi, theo nghĩa đen.
Nguyễn Huy Thiệp đưa cả phân vào văn, Y Ban cũng đưa phân. Để hủy diệt, xé nát và ném toẹt đi (có thể là ném xuống bồn cầu và xả nước) mọi cảm xúc lãng mạn lâng lâng của đời sống vợ chồng, nhà văn kể… Mà thôi, quá nhiều chi tiết, câu thoại liên quan đến phân, thuật lại lên mặt báo thì hơi mất vệ sinh.
Ngoài phân, Y Ban đưa cái trung tiện vào văn. Một cái, nhưng hiệu ứng lan tràn cả cái chương sách Đám đông mà chị vô cùng tâm đắc. Cái trung tiện là nguyên nhân để đám đông đó tụ tập. Đám đông bàn tán, thảo luận, hít thở… trong bầu không khí đó, (lại) hơi mất vệ sinh. Y Ban còn bảo rất muốn đọc to chương sách này lên. Thẳng thắn thì được, nhưng đây thì là khiếm nhã. Nhưng đoạn cuối, tác giả cho một câu khá được: "Kỳ lạ, đám đông này rất ít đàn bà. Những người đàn bà còn đang mải làm việc".
Tiếp một chương nữa mà nhà văn tâm đắc, Lại đám đông, ngay sau chương Đám đông. Một bối cảnh khác, bãi bia của đám đàn ông, "không phải là đám đông vô tích sự nhất trên đời… nhưng với những người phụ nữ thì đó là đám đông vô tích sự nhất trên đời". Nhưng, không hiểu sao tác giả cố tình để cho người chồng say rượu ở bãi bia có những hành động ve vãn những người đàn ông ngồi cùng bàn nhậu, động tác khá bẩn thỉu (dù chỉ là trong tưởng tượng của người vợ), khiến người đọc có cảm giác người viết hơi… kỳ thị đồng tính.
Thử nghiệm kỹ thuật viết
Trò chơi hủy diệt cảm xúc là một thử nghiệm của Y Ban về mặt kỹ thuật viết. Chị chơi cấu trúc, như rất nhiều nhà văn khác. Một cấu trúc theo kiểu phá phách, không có cấu trúc, hoặc cấu trúc mở, để độc giả tự cảm nhận. Theo tôi là hơi bị lệch, phần tự sự ở đoạn đầu đặc sắc thì lại ngắn, phần "thư ngoại tình" ở đoạn sau dài lê thê thì lại không hấp dẫn.
Kết bài, tôi muốn nhắc đến một đoạn văn rất đẹp trong cuốn sách "thum thủm" này. Đó là đoạn "Hàng ngày tôi đi làm qua một cây cầu" ở đầu sách. Ngày ngày nhân vật tôi đi trong một dòng xe máy "như dòng nước, xuôi xuôi xuôi xuôi". Một hôm, "tôi" nhìn thấy một cụ già ngồi bên thành cầu, nét mặt đau đớn, như khẩn cầu một lời hỏi han. Ý nghĩ "giảm ga và dừng lại" lặp đi lặp lại trong đầu "tôi". Nhưng cuối cùng, "Tôi chảy theo dòng xe cộ". Đoạn này mô tả nội tâm rất mượt và rất buồn. Vẫn rất thẳng, vẫn đau, vẫn tăm tối, nhưng một lần hiếm hoi tôi thấy văn Y Ban duyên dáng.
(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu ngày 11/11/2012)
Mi Ly
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn