Xem sách hay

Trên Đồi Cao Chăn Bầy Thiên Sứ

Mua ở đâu?
Nguyễn Ngọc Thuần

Nguyễn Ngọc Thuần

Tác phẩm Trên Đồi Cao Chăn Bầy Thiên Sứ in đậm dấu chân thể nghiệm của tác giả trong văn chương, ở vào giai đoạn sung sức nhất của nghề viết, đã từng mang về cho Nguyễn Ngọc Thuần giải B (không có giải A) cuộc thi Sáng Tác Văn Học cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên phối hợp với NXB Văn Nghệ tổ chức cách đây 15 năm, sau đó, được dịch sang tiếng Nhật. Cũng là tác phẩm hàm chứa những đặc thù của phong cách văn chương Nguyễn Ngọc Thuần: đẩy xa tính mộng và tính thơ trong trò chơi ý tưởng bất tận.

Điều đó làm cho các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần vừa có độ quyến rũ của sự trong trẻo, lấp lánh; vừa gây ngạc nhiên thú vị bởi, một cách tự nhiên, anh trình bày một phiên bản lộn ngược của hiện thực – cái hiện thực bề mặt mà nhiều nhà văn chúng ta ngày nay đang bị cầm tù.

Như trong tác phẩm này, Nguyễn Ngọc Thuần kéo về bầu khí quyển mặc nhiên của dụ ngôn, thi ca và huyễn mộng để triển khai một cuộc phiêu lưu ý tưởng đầy duy mỹ và buồn bã. Khu vườn được dựng lên trên đồi cao bằng ý chí, vô nhiễm với xung quanh nhưng chính nó lại là một trong những cơ tầng, di chỉ của lãng quên. Nó gom vào trong mình một âm bản nhân thế sơ khai, tinh khôi như vừa được sáng lập, lại như đã ngấm ngầm trượt khỏi miền thời gian thực hữu, một hình thức cô lập cuối cùng của sự sống.

Bỏ qua tất cả giới hạn của ngôn từ, của ý niệm văn chương. Bỏ qua cả “sức nặng” của phong cách Nguyễn Ngọc Thuần, chỉ ngồi lại với câu chuyện – một câu chuyện không đầu, không cuối, không hiện thực, không thời gian và không cả nhân gian… Trên Đồi Cao Chăn Bầy Thiên Sứ là một bức tranh vintage về một khu ‘vườn trên đồi cao và chỉ duy khu vườn ấy; ở đó có một người cha và ba cô con gái nhỏ. Trong không gian đó, người cha đã cố biến khu vườn thành một thiên đàng với những cám dỗ nho nhỏ: những câu chuyện,những trò chơi ngôn từ, một chiếc xích đu, một con chim gỗ, một cây kiếm, một con chó nhỏ… Ông sợ nỗi sợ của con mình, ông đau nỗi đau của chúng, ông thao thức hằng đêm để dẫn đường cho những giấc mơ con trẻ, để ngăn những cơn ác mộng mà ông nghĩ rằng con mình đang bị dẫn dụ.Ông làm tất cả những gì có thể, để bảo vệ những đứa trẻ của ông trong vùng an toàn, ngay cả việc giấu mùa thu đi bằng cách tự tay nhặt hết những chiếc lá vàng trong khu vườn 4 mùa… Nhưng những đứa trẻ rồi cũng lớn lên, phóng trái tim và tầm mắt ra khỏi “thiên đàng” của cha và va vào bất trắc. Bất trắc ngay khi những cô gái nhìn thấy mùa thu…

Sự sinh sản, cái chết, cuộc trốn chạy và vô vàn những biến cố diễn ra giữa rừng ám tượng đưa người đọc đi vào một không gian khác biệt của thứ sáng tạo nâng niu vết dấu huyền thoại tưởng đã lụi tàn hay bị vùi chôn trong một đời sống văn chương nệ thực.

Thật đúng khi Thuần nói “Tôi không có thiện chí kể lại cho bạn một câu chuyện nào đâu. Tôi muốn đi tìm chiếc chìa khóa bị bỏ rơi ở nơi chúng chứa đựng kho tàng…”. Chiếc chìa khóa ấy, có thể có thực hoặc không có thực, chẳng sao cả. Quan trọng là chúng ta có muốn đi tìm hay không…

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?