Những vần thơ về cây chuối của cô bé Hường Lý lúc 10 tuổi đã lọt vào mắt xanh của nhà thơ Chế Lan Viên qua lời khen ngợi: "Hường Lý diễn tả xong tình cảm nhớ nhung cây chuối ngoài miền Bắc rồi viết ý sau: "Nghe tin em có trái/ Nhưng chị không ở lại/ Chị chuyển vô Nam rồi/ Cây chuối cưng em ơi/ Phần chị một trái nhé", thi ý ấy thú vị quá…".
Bìa tập thơ 'Trăng lên trên mái nhà rông' của Hường Lý, nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành tháng 3/2010.
Bìa tập thơ "Trăng lên trên mái nhà rông" của Hường Lý, nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành tháng 3/2010.
Hơn 20 năm làm thơ, Hường Lý chọn sự lặng lẽ, một cuộc đối thoại thầm thì và không ngừng với tuổi thơ và "Trăng lên trên mái nhà rông" ghi lại hành trình không mệt mỏi đó. Hường Lý lấy nữ tính làm duyên nên thơ trọng về tình cảm nhưng cũng là người nghịch ngầm nên giữa phẳng lặng thi thoảng lại bị khuấy động bởi những viên sỏi nghịch ngợm như nụ cười duyên theo sau cái nheo mắt hóm hỉnh. Đọc thơ Hường Lý khi chạm phải những viên sỏi đó, bất giác có thể tưởng sạn nhưng đọc cả tập mới thấy chủ ý làm ngọc của tác giả.
Cái gùi em nho nhỏ
Đeo nhún nhảy bên vai
Trong có đầy đủ cả
Cơm, nước và đồ chơi.
(Đi làm nương)
Cái nghịch của Hường Lý là thay bằng việc chọn vần cho thuận tai thì ở cuối mỗi khổ kết lại một ý, chị ưa dùng đảo vần hay sự nghịch tai như đang trôi xuôi theo dòng nước, âm thanh đang du dương bỗng dưng khựng lại, đòi hỏi người ta phải trấn tĩnh xem có gì đã xảy ra. Hường Lý ý thức rõ về sự mệt mỏi của nhịp điệu ở mỗi bài thơ đều chị muốn phá phách một chút, muốn làm khác một chút. Nhưng cuối cùng cái sự phá phách đó cũng thật là nữ tính.
Ong hút mật trong rừng
Gặp bé đang đứng hát
Ong nhìn Bé ngơ ngác
Bé vào đây làm gì?
Bé chạy ra gốc si
Giơ lên một giỏ nấm
Những cô Nấm ngoan lắm
Vẫy vẫy nón chào Ong.
(Ong – bé và nấm)
Dường như ngay lập tức sau cái xóc nảy người, con đường lại trở nên êm ả, một trật tự âm thanh được sắp xếp lại.
Thơ viết cho thiếu nhi thường gặp nhau ở sự tinh tế và hóm hỉnh trong quan sát, nhà thơ gần với thiếu nhi bởi thái độ ngạc nhiên bất tận trước vẻ đẹp của cuộc sống, của thiên nhiên xung quanh. Thơ Hường Lý cũng đầy những quan sát tinh tế và hóm hỉnh:
Chỉ con chó sướng nhất
Chẳng phải mang gì đâu
Cứ lon ton chạy trước
Cuối cùng lại đến sau
(Đi làm nương)
Hường Lý sinh ra ở miền Bắc, đất xứ Đông, Hải Dương nhưng lớn lên lại theo cha mẹ xung phong vào dạy học ở vùng kinh tế mới Gia Lai. Mảnh đất cao nguyên đã mở rộng tầm mắt, những điều mới lạ xung quanh đã cho chị một sự quan sát đầy thích thú và say mê.
Mặt trời khe núi
Giã gạo, luộc khoai
Trời cao ngang vai
Thả trâu đi học
(Đồng hồ)
Vui nhất là trò "ma đuổi"
Bao giờ con gái cũng thua!
(Vui đêm trăng)
Nhưng nét riêng của thơ Hường Lý chính là sự nhạy cảm với âm thanh. Thơ Hường Lý thể hiện thính âm đặc biệt nhạy cảm của mình. Nhiều người đã viết về tiếng ve sầu, nhưng vang lên trong thơ Hường Lý một giai điệu khác hẳn.
Ve vẻ vè ve
Làm sao mà sầu
Mùa hè vui thế
Có gì buồn đâu?
… Mùa hè vui thế
Có gì buồn đâu
Ve vè ve vé
Làm sao mà sầu?
(Ve sầu)
Và một tiếng chiêng rất riêng nhạy cảm và tinh tế của một tâm hồn nữ tính thuần khiết.
Tiếng chiêng trong bản vọng ra
Đâu là chiêng chị, đâu là chiêng em?
Bâng khuâng, ngơ ngẩn, tôi tìm
Bồng bềnh, khi nổi, khi chìm, khi xa
Bay qua, hay đậu trước nhà
Chiều như hạ xuống, hay là dâng lên!
(Tiếng chiêng)
Kỳ Thư
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn