Tự kỷ vẫn luôn là nỗi lo sợ và ám ảnh với tất cả các bậc cha mẹ. Sinh con ra, cái mong ước tưởng chừng như đơn giản, tất nhiên là con lớn lên khỏe mạnh, bình thường lại trở nên xa vời nếu một ngày, định mệnh đóng vào đời con cái mác “tự kỷ”. Mọi cánh cửa đều như đóng sập, mọi ngọn lửa đều tắt ngúm và mọi con đường đều dẫn đến bế tắc. Nhưng cứ đi, rồi lối sẽ thành đường, và con đường ấy được khắc họa rõ nét trong cuốn sách “Trái tim người cha” của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà.
Có một đứa con tự kỷ là như thế nào? Và liệu khi ấy, ta sẽ nghĩ gì, làm gì khi đứa con mình đứt ruột đẻ ra cứ mất dần cảm giác, ngôn ngữ để thay vào đó chỉ còn đôi tay không biết nghe lời, đôi mắt chỉ nhìn vào những ngón tay chuyển động một cách kỳ lạ và bạn thân của con chỉ còn là những vòng xoay ám ảnh? Câu hỏi đáng sợ này đã đến với cha của Hoàng Yến trong cái ngày anh nhận được tin con bị tự kỷ. Anh đã choáng váng, bàng hoàng như thể vừa nhận được một cú nốc ao.
Chối bỏ thực tại, đau đớn khôn nguôi để rồi suýt đánh mất gia đình, người cha đã phải tự vật lộn với chính cảm xúc của bản thân. Trong cái đêm bỏ nhà ra đi vì cãi nhau với vợ, anh truy vấn bản thân, rằng điều gì sẽ khiến mình hạnh phúc. Thành công và giàu có mà con gái vĩnh viễn sống trong bóng tối và thế giới khép kín của tự kỷ hay đương đầu để tìm lại “ánh sáng” cho con? Lúc này, trái tim và lý trí của anh mới cùng chung một ý hướng: hành động để cứu con và cứu lấy hạnh phúc gia đình!
Để bắt đầu hành trình gian nan này, cha Hoàng Yến phải chọn lựa giữa công việc và gia đình. Xin nghỉ không lương rồi xin nghỉ hẳn để ngày ngày đưa con đến trường chuyên biệt, nhưng sau đó anh hiểu rằng không ngôi trường nào tốt cho con bằng ngôi nhà của mình, không một chuyên gia nào hiểu con bằng chính bản thân anh. Anh quyết định đưa con về nhà tự can thiệp. Và hành trình của cha con anh chính thức bắt đầu!
Anh ra Hà Nội để tìm kiếm một gia đình có con tự kỷ đã can thiệp thành công để tìm hiểu và xin giúp đỡ. Anh đã có những bữa say sưa với thầy hiệu trưởng hay cố gắng vượt qua bài kiểm tra của thầy để được tư vấn. Anh nhập vai vào một đứa trẻ tự kỷ để tìm hiểu xem vì sao những vòng xoay lại khiến con mê mẩn đến thế. Có những ngày anh mướt mồ hôi làm học cụ cho con, rồi nước mắt chảy ngược khi thấy con giằng co trong những cơn khó chịu ngày tròn trăng hay khi sự tiến bộ của con chỉ như con ốc sên bò lên bò xuống. Nhưng rồi sự cố gắng của anh cuối cùng cũng được đền đáp bằng ngón tay chỉ trăng của Hoàng Yến, bằng tiếng gọi “cha” đầu tiên, bằng việc biết phân biệt mùi vị khi ăn uống của con.
Sau những bữa đi bộ cùng con, nói chuyện cùng con, đưa con về quê để có bạn bè…, những yêu cầu của anh dành cho con cũng cao hơn. Không phải anh quá khắt khe với con gái, mà là anh đang chuẩn bị tất cả để con có thể đến trường như bạn bè đồng trang lứa, để con thể sống tự lập mà không cần ai trợ giúp. Và rất may trong những ngày tháng ấy, anh nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ và chia sẻ từ vợ, từ thầy hiệu trưởng ngôi trường con gái anh từng học, từ cha mẹ, anh chị em trong gia đình và cả thầy cô, bạn bè cùng lớn của con. Tất cả đã làm thành vành đai yêu thương bao bọc lấy Hoàng Yến, để cô bé từng bước từng bước hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Là cuốn sách thứ hai viết về đề tài tự kỷ của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, “Trái tim người cha” được kể bằng giọng văn đầy xúc cảm. Tám năm cho một hành trình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và yêu thương được chị khắc họa trung thực, cảm động và đầy thấu hiểu! Cuối cùng thì đi qua giông tố, qua hết mọi bi quan, sợ hãi, hạt giống gieo trồng trên sa mạc đã nảy mầm. Và cái ngày sa mạc nở hoa thật sự chẳng còn xa… Bởi vì với trái tim người cha, không gì là không thể!
Mời bạn đón đọc.