Xem sách hay

Tổng tập Trần Văn Giàu

Mua ở đâu?
Trần Văn Giàu

Trần Văn Giàu

Nhân dịp Giáo sư Trần Văn Giàu tròn 95 tuổi (6-9-1911 – 6-9-2006) và kỷ niệm 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 – 19-12-2006), NXB Quân đội Nhân dân đã ra mắt bạn đọc bộ “Tổng tập Trần Văn Giàu”. Bộ sách dày 1.879 trang không chỉ nói về cuộc đời của một con người mà qua đó người đọc còn thấy được hành trình lịch sử của cả một dân tộc.

 

Bộ sách gồm hai phần. Phần I: “Chống xâm lăng” là bức tranh sống động về cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất đầy bi hùng của dân tộc. Phần II: “Miền Nam giữ vững Thành Đồng” là cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến hơn 10.000 ngày đêm chống Pháp xâm lăng lần thứ hai và cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta, đặc biệt là truyền thống bất khuất kiên cường của miền Nam “Đi trước về sau”, góp sức cho ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Những trang kiến giải về Bản lĩnh Việt Nam là phần kết độc đáo cho bản Tổng tập đồ sộ này.

Có bề dày gần hai ngàn trang nhưng bộ sách lại có sức hấp dẫn rất riêng với bạn đọc bởi cách trình bày khoa học cũng như tư liệu lịch sử phong phú.

Ở phần I, tác giả phác họa “Nam kỳ kháng Pháp” với những nét về “Văn chương và Văn sĩ kháng chiến ở Nam kỳ” qua những câu truyền tụng về số văn nhân Nam kỳ nổi tiếng: “Đồng Nai có bốn rồng vàng/Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”.

Giờ đây, khi đọc lại những áng văn chương ấy, ta không thể không bừng bừng lòng ái quốc, tha thiết yêu dân, căm thù giặc, ghét cay đắng kẻ phản phúc. Ở phần “Bắc kỳ kháng Pháp” tác giả đã dày công xâu chuỗi sự kiện, phả vào đó cái nhìn khoa học để kiến giải vấn đề thời cuộc với nhiều tư liệu chính xác như: Chính phủ Pháp và triều đình phong kiến nhà Thanh (Trung Quốc) gằm ghè nhau về ảnh hưởng của mình tại Bắc kỳ. Điều này được tác giả dẫn bằng bức thư của đại sứ nhà Thanh ở Paris gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Phơ-ray-xi-nê cực lực phản đối, yêu cầu Pháp phải rút quân khỏi Bắc kỳ.

Trong phần “Miền Nam giữ vững Thành Đồng”, tác giả đã phân tích sự thành công của phong trào cách mạng miền Nam chính là “Lực lượng cách mạng nhân dân”. Ví dụ như Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là tổ chức liên minh rất chặt chẽ, thu hút được đông đảo đoàn thể tham gia, hợp thành sức mạnh tập thể. Mặt trận đã trở thành trung tâm đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước ở toàn miền Nam.

Nếu như những phần kiến giải lịch sử kể trên được viết bằng lối văn biền ngẫu, chặt chẽ thì ở phần kết của tổng tập: “Bản lĩnh Việt Nam” Giáo sư Trần Văn Giàu lại thể hiện bằng một bút pháp thâm thúy và gợi cho người đọc nhiều thú vị khiến người đọc sử bật ra những tiếng cười sảng khoái. “

…Tạo hóa vô tri đặt để Việt Nam nhỏ yếu mà trù phú ở bên cạnh người Khổng lồ và ở trên ngã ba đường thông thương quốc tế Bắc Nam Đông Tây. Ở vị trí địa lý ấy, Việt Nam khác nào món thịt ngon phơi trước mồm hổ đói, tránh sao khỏi cấu xé, lắm phen bị giẫm đạp… Trong cảnh ngộ đó, Việt Nam hoặc phải bị nghiền nát như tương, hoặc phải trở nên rắn như thép… Quyết phải làm tất cả để trở nên rắn như thép, đó là bản lĩnh Việt Nam.

Bản lĩnh này không phải dân tộc Việt Nam sinh ra đã có, mà được hình thành trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước… Những châm ngôn hết sức phổ biến để nói lên được đặc điểm của bản lĩnh Việt Nam: “Tự lực, tự cường”, “Biết đánh biết thắng”, “Lấy yếu thắng mạnh”, “Lấy trí nhân thay cường bạo”…

Bước vào tuổi 96, sống gần trọn một thế kỷ, Nhà giáo nhân dân – Anh hùng Lao động – GS Trần Văn Giàu là chứng nhân của những giai đoạn lịch sử sôi động nhất của dân tộc. Bằng trái tim nhân bản sâu sắc, nhân cách ngời ngời của người cộng sản chân chính; bằng khối óc mẫn tiệp và lối tư duy, làm việc khoa học, ông đã tích lũy được kho kiến thức phong phú, sống động để ươm mầm, sản sinh ra những tác phẩm Triết học, Sử học, Văn học đặc sắc trong kho tàng tri thức dân tộc.

Chỉ riêng lĩnh vực Sử học, Triết học luôn làm ông trăn trở để kiến giải những câu hỏi mang tầm thời đại. Đạo làm người Việt Nam là gì? Tư tưởng Việt Nam là gì? Bản lĩnh Việt Nam là gì? Bên cạnh các tác phẩm về triết học, văn học, công trình đồ sộ tái hiện lịch sử chống xâm lăng của dân tộc từ đầu thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX của ông đã trở thành một tài sản vô giá trong kho tàng tri thức dân tộc…  

Thảo Lư


Tổng tập Trần Văn Giàu

Tổng tập Trần Văn Giàu – phục dựng bức tranh lịch sử chống xâm lăng

(18-11-2006)
Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh giáo sư – Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu và 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19.12.1946-19.12.2006), NXB Quân đội Nhân dân phối hợp với Doanh nghiệp Sách Thành Nghĩa xuất bản, phát hành bộ Tổng tập Trần Văn Giàu.

Tổng tập Trần Văn Giàu dày 1.880 trang khổ lớn (19 cm x 27 cm), chia làm hai phần: Chống xâm lăng và Miền Nam giữ vững Thành đồng. Phần Chống xâm lăng, ông dựng lại bức tranh sống động về cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất đầy bi hùng của dân tộc. Phần Miền Nam giữ vững Thành đồng, ông dựng lại toàn cảnh cuộc chiến hơn 10.000 ngày đêm chống Pháp xâm lăng lần thứ hai, rồi chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta cho đến ngày toàn thắng (30-4-1975) và khép lại với những trang luận về Bản lĩnh Việt Nam được hun đúc qua nhiều thế kỷ dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Giáo sư Trần Văn Giàu chỉ “mong đây vừa là tài liệu tham khảo, nghiên cứu vừa là tình cảm của tôi được gửi tới bạn đọc”, song chúng ta thấy ông đã dày công nghiên cứu mảng lịch sử Việt Nam cận, hiện đại bi hùng, thấm đẫm chủ nghĩa yêu nước, chuyển hóa thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trên nền của một cuộc chiến tranh nhân dân ở vùng đất trẻ phương Nam. Qua những trang viết của người anh hùng Trần Văn Giàu, người đọc dễ dàng nhận ra cái tâm, cái tầm, cái tài của người con Nam Bộ đã dành cả một đời cho sự nghiệp cách mạng và khoa học.

Vu Gia

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Tổng Tập Trần Văn Giàu
(VTV1 Ngày 18/12/2006)

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Sự Trở Lại Của Vết Xước

Đọc Sự trở lại của vết xước: Ám ảnh những nỗi đau cá nhân

Ngày 22/08/2007

NXB Văn Nghệ TPHCM vừa giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn trẻ Trần Nhã Thụy với nhan đề khá lạ Sự trở lại của vết xước. Một lần nữa, qua ngòi bút của nhà văn, một thế giới u uẩn của nỗi đau cá nhân lại tái hiện.


Toàn bộ các nhân vật trong cuốn truyện mới nhất này của Trần Nhã Thụy không có tên riêng, họ chỉ có những cái tên miêu tả công việc của mình như nhà văn, người bảo vệ, người câu cá hay bác sĩ thú y…
Nội dung chính của truyện khá quen thuộc, một anh nhà văn trẻ từ vùng quê lên thành phố kiếm sống, anh có gia đình và một công việc tương đối ổn định. Câu chuyện mở đầu nhẹ nhàng với những tâm sự về cuộc sống giữa một thành phố sôi động cùng đủ những mặt hỉ nộ ái ố của nó. Xuyên suốt truyện có một câu nói “Cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ”.

Nếu đoạn đầu, câu nói đó thuần túy mang nghĩa đen miêu tả việc ăn uống giữa thành phố đầy những món ăn bị nhiễm độc do hoạt động công nghiệp và nhu cầu lợi nhuận của người bán thì với việc biến mất của người vợ, câu nói trên lại biến thành một nghĩa khác. Ở đây, Trần Nhã Thụy có lẽ đã phần nào chịu ảnh hưởng một chút từ nhà văn Nhật Haruki Murakami hay nhà văn Thuận, những người cũng có nhân vật người vợ biến mất một cách bí hiểm.

Sự giống nhau còn ở chỗ việc biến mất của người vợ trong Sự trở lại của vết xước trở thành một tâm điểm cho quá trình biến đổi của nhân vật chính. Từ những đau đáu trong cuộc sống hiện thực đến những dằn vặt của tinh thần trước một bi kịch cá nhân, sự thay đổi trong suy nghĩ đã kéo theo những biến đổi trong cái nhìn của anh về cuộc sống của những người bạn xung quanh.

Tiểu thuyết mới nhất này của Trần Nhã Thụy là một câu chuyện buồn mang chất bi kịch với những suy nghĩ nội tâm đầy triết lý. Tuy nhiên, khác với cái bi kịch tăm tối trong Biên niên ký chim vặn dây cót của nhà văn Haruki Murakami hay cái giày vò giằng xé của T mất tích của nhà văn Thuận, Sự trở lại của vết xước buồn nhưng không bi thảm, u uẩn nhưng tránh được tuyệt vọng. Hình ảnh đứa bé con trai của nhà văn – nhân vật chính vừa góp một chút vào cái nỗi buồn chung của tác phẩm lại vừa là đốm sáng của hy vọng ngay trong những đoạn u ám nhất khi cái chết của người bạn đẩy nhà văn đến chỗ mất hết hy vọng vào cuộc sống.

Với Sự trở lại của vết xước, Trần Nhã Thụy đã khẳng định được tài năng của mình trong việc miêu tả nỗi đau, miêu tả sự dằn vặt. Từ nhân vật chính đến các nhân vật nhỏ nhoi chỉ xuất hiện thoáng qua đều có một khoảng lặng để bạn đọc cảm nhận được cuộc đời sướng khổ của họ. Thế nhưng, đồng thời ở đây đã xuất hiện cái khuyết của tác giả.

Các nỗi đau cá nhân rất thật nhưng lại tách rời khỏi hiện thực xã hội. Cái xã hội mà nhà văn – nhân vật chính sống được miêu tả rất mờ nhạt và chỉ như một chút gia vị cho thêm vào các nỗi đau cá nhân. Mà một tác phẩm muốn tạo sự rung động cho độc giả lại đòi hỏi hơn thế. Cái bi kịch cá nhân muốn nhận được sự rung cảm của người đọc phải điển hình cho bi kịch của số đông, trong một hiện thực xã hội ngồn ngộn mà nhân vật đang bơi lặn trong đó.

Ở góc độ một tiểu thuyết tâm lý xã hội, Sự trở lại của vết xước có thể xem là một sự lên tay đầy thành công của Trần Nhã Thụy. Qua tác phẩm trên, bạn đọc có thể đặt niềm tin ở các tác phẩm sau này của anh…

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Nhà văn Lý Lan nói về tập 7 Harry Potter

Thứ Sáu, 28/09/2007
Nhà văn Lý Lan nói về tập 7 Harry Potter:
“Tôi thích tâm lý trưởng thành của Harry Potter”

TT-Ngày 25-9, nhà văn – dịch giả Lý Lan vừa hoàn tất chương cuối cùng tập truyện Harry Potter 7. Phóng viên Tuổi Trẻ vừa có cuộc trao đổi với Lý Lan ngay khi chị vừa “buông bàn phím”.

* Với những gì từ Nhà xuất bản (NXB) Trẻ tiết lộ, có thể nói Lý Lan đã chạy nước rút cho bản dịch Harry Potter 7 hoàn tất. Chị có thể nói về qui trình làm việc giữa chị với NXB Trẻ?

– Ngày 21-7, bản tiếng Anh bắt đầu được bán trên toàn thế giới, tôi đang ở Mỹ nên mua một bản do Scholastic phát hành, sau đó NXB Trẻ gửi qua bằng phát chuyển nhanh một bản do Bloomsbury phát hành, đọc trong hai ngày, và bắt đầu dịch từ ngày 23-7. Tôi dịch xong chương nào thì chuyển chương đó cho biên tập viên. Biên tập viên gửi lại câu hỏi và ý kiến trao đổi. Hai bên thống nhất thì cho dàn trang. Ngày 25-9 tôi gửi chương kết cho biên tập viên. Sau đó là việc của NXB Trẻ.

* Cùng với biên tập viên – nhà văn Phan Thị Vàng Anh làm việc trong điều kiện chạy đua với thời gian, chị phải chịu những áp lực nào? NXB Trẻ có tạo điều kiện để chị làm việc thật tốt?

– Đúng, chị Phan Thị Vàng Anh là người biên tập bộ sách Harry Potter tôi dịch. Tôi làm việc trực tiếp với Vàng Anh về nội dung. Tôi bị áp lực chính từ bản thân tôi vì tự đòi hỏi chất lượng cao nhất mà khả năng mình có thể làm được. Công việc này đơn giản và cô độc, một mình tôi với cuốn sách và cái máy tính, cái tôi rất cần là thời gian thì lại có hạn. Ở bên cạnh tôi lúc này và tạo điều kiện tốt nhất để tôi làm việc là chồng tôi.

* Qua bảy lần dịch Harry Potter, cũng là bảy lần chị diện kiến thủ pháp nghệ thuật của bà J. K. Rowling, có điều gì chị tâm đắc từ cách xử lý cốt truyện và khai thác các tình tiết hấp dẫn để hình thành một bộ truyện đồ sộ như thế?

– Tôi nghiệm được một số điều từ cách xử lý cốt truyện, đề tài, nhân vật, và cách khai thác tình tiết, chi tiết, đặc biệt kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ của tác giả. Trong lúc dịch, gặp chỗ nào đắc ý hoặc… bất như ý hay gợi ý… tôi ghi chép riêng, nay đang gom lại và… “tám” chơi, thành một chương trong cuốn Tám Harry Potter thứ hai.

Có hai điều đáng ghi nhận dù không phải là điều tâm đắc, đó là: phối hợp kết cấu kinh điển và hiệu ứng truyền thông hiện đại trong phát triển các tuyến truyện, và sự xâm nhập hay ảnh hưởng càng về sau càng rõ của kỹ thuật điện ảnh và trò chơi điện tử trong bộ sách chữ Harry Potter.

* Chị có thể nói thêm về những gì chị “nghiệm được” không?

– Trong cách xử lý cốt truyện, bà Rowling tài tình ở chỗ mở ra nhiều nhánh phụ khiến các nhân vật có vẻ như đi lạc, nhưng rốt cuộc cũng tới được nơi mà họ phải tới, ắt tới. Và người đọc đi theo các nhân vật đó, trải qua nhiều trạng thái tâm lý buồn vui – lo lắng – nhẹ nhõm – băn khoăn – suy tính – hồi hộp, kể cả… nổi khùng vì thấy nhân vật làm chuyện… điên quá.

Tôi cũng thích đề tài của tập cuối cùng trong bộ truyện này: quá trình trưởng thành (chủ yếu về mặt tinh thần – niềm tin, nhận thức, tâm lý, tâm hồn) của những người vừa hết tuổi vị thành niên; ba nhân vật chính Harry, Ron và Hermione trong tập này vừa bước sang tuổi trưởng thành, tuy gánh vác một “trọng trách” mà người lớn hiệp sức làm (như Hội Phượng Hoàng) chưa chắc thành công, nhưng tụi nó lại khăng khăng làm lấy một mình theo cách riêng, có thể vẫn còn trẻ con nhưng nhiều khi tỏ ra rất có bản lĩnh, khiến tụi nó vừa bình thường như “ngoài đời” mà lại là những anh hùng xuất chúng trong truyện.

Tình tiết được dàn dựng công phu, chặt chẽ, theo thủ pháp “ảo thuật” mà không đến nỗi hoang đường; nhiều chi tiết độc đáo và đầy ngụ ý. Để đạt được những điều trên bà Rowling có lối viết đa nghĩa, không chỉ đơn giản “chơi chữ” cho vui mà để cố tạo nhiều tầng – nhiều lớp – nhiều cách thưởng ngoạn một tác phẩm.

* Có thể nói thị hiếu đọc của thế giới đã được phân chia thành “trước Harry Potter” và “sau Harry Potter” không? Theo chị, dòng truyện thế giới phù thủy còn hấp dẫn trẻ con nữa không?

– Một lứa trẻ (hiện nay đang bước vào tuổi đôi mươi) đã say mê và trưởng thành cùng Harry Potter. Nay đã qua tuổi ấu thơ và đọc xong Harry Potter rồi, họ đối diện với cuộc sống thực trong thế giới con người còn kỳ diệu và quái dị hơn cả thế giới phù thủy, và nếu họ tiếp tục đọc sách thì sẽ khám phá những thế giới văn học cũng kỳ ảo và hấp dẫn không kém. Trước hay sau Harry Potter cũng vẫn luôn có thị hiếu đọc giải trí ở mọi tầng lớp. So với hiện thực thế giới chúng ta đang sống và hiện thực trong lĩnh vực giải trí hiện nay, tôi coi sách Harry Potter là giải trí lành mạnh. Dòng truyện này còn hấp dẫn hay không phải chờ coi mới biết được.

LAM ĐIỀN thực hiện

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?