Tập sách Tôi Và Đàn Bà lại tiếp tục như một tiếp nối của Gái đẹp trong tôi. Nếu tập trước lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, tục ngữ ca dao, sắc màu hội họa và những chuyện xa như tình gần thì nay, lại là tâm trạng và sự chiêm nghiệm khi chung sống, chung chạ, chung thân với họ. Khó có thể nói hết những gì đã nhớ, những gì đã quên về một (hoặc nhiều) người đàn bà do đấng Twashtri tạo ra, lúc ấy, lũ đàn ông chúng ta ôm mặt khóc hu hu não nùng, bẽ bàng, thống thiết: “Ngài ơi! Tôi không thể nào sống chung được với nó”. Câu trả lời của đấng Twashtri chỉ là: “Mi không sống được với nó, nhưng mi cũng không thể sống thiếu nó”.
Có như thế, được (hoặc bị) như thế thì những kiệt tác về văn hóa nghệ thuật của nhân loại từ thuở hồng hoang đến thời công nghệ tin học mới có thể ra đời. Và muôn vạn đời sau thiên thu vạn kiếp, người đàn bà vẫn mãi mãi ở vị trí tót vời tạo nên cảm hứng sáng tạo của thế giới loài người. Và tôi nghĩ, khi xã hội càng hiện đại và văn minh thì vị trí của người đàn bà là một giá trị bất biến, không gì sánh nổi. Bất kỳ những gì muốn thu hút sự quan tâm, chăm chú của cộng đồng cũng không thể tách rời vị trí, hình ảnh của họ. Để rồi xem.
Trong lời Bạt của Gái đẹp trong tôi, Chị Đẹp cho rằng: “Đàn bà định vị đàn ông. Thật ra, điều quan trọng hơn cả là đàn bà chọn người đàn ông CỦA HỌ như thế nào. Và, đàn bà ĐỊNH VỊ đàn ông, khi nói rằng ‘ĐÂY, là người đàn ông CỦA tôi’. Với đàn ông cũng vậy thôi. Và tôi, những gì đã viết từ Gái đẹp trong tôi đến Tôi Và Đàn Bà cũng chỉ là lòng thành kính và sự biết ơn khi nghĩ về thân phận “Đau đớn thay phận đàn bà”.
Tập sách này khép lại ở những dòng đã viết, như cậu bé lần đầu tiên trong đời ngồi trước trang giấy mới và nắn nót từng dòng chữ luôn ghi lòng tạc dạ và tự nhắc nhở chính mình:
Không biết ơn sao được, dù nàng có “thế này thế kia”, có nhiều lúc đem lại cho ta quá nhiều sự phiền toái, phiền muộn, rắc rối, gò bó, bực bội… Lúc ấy, ta những muốn chết quách đi cho rãnh cái nợ đời nhưng bình tĩnh lại đi, cứ nghĩ lại mà xem ai là người đã cho ta một mái ấm, một hậu phương vững chãi, một nơi trú ẩn tuyệt đối an toàn?
Và nhất là khi ta ngã ngựa đường dài, ai là người đầu tiên và cuối cùng kéo ta vào lòng, tin cậy, vỗ về như mẹ và xoa đầu như bảo đứa con trai: “Đứng dậy đi anh”?
(tác giả Lê Minh Quốc)
Mời bạn đón đọc.