Nhưng khi nhận một email từ nước ngoài của một người bạn gái cũ "Nhờ anh tìm mua cho tôi "…một vé đi tuổi thơ", tôi phải trả cuốn mượn đọc từ cô em gái vừa về Việt Nam. Tôi muốn có cuốn sách ấy trên kệ của mình. Chồng tôi sẽ gặp anh để nhận mang đi, cảm ơn…", tôi bỗng thấy mình không cưỡng nổi sự tò mò để lấy cuốn sách xuống kệ đọc. Người bạn gái cũ thời trường làng với tôi nay đã quá ngũ niên. Nguyễn Nhật Ánh vẫn làm họ thổn thức là điều làm ngạc nhiên tôi, người bạn viết hơn ba mươi năm.
Hơn hai mươi năm trước, khi còn làm việc tại báo Tuổi Trẻ, chúng tôi chọn tiểu thuyết "Mắt biếc" của anh để đăng nhiều kỳ trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật thoạt tiên vì tờ báo là đối tượng của những bạn đọc trẻ. "Mắt biếc" dành cho tuổi thanh niên mà khi ấy tuổi thanh niên của tôi chưa đi qua quá xa để rung động tiếp nhận nó. Bây giờ, tuổi trẻ của tôi đã đi quá xa thì cái vé về tuổi thơ, xét về tâm lý hóa ra nó rất cần thiết cho những ai không còn tuổi thơ dù cuốn sách cũng lại không viết cho người già.
Nguyễn Nhật Ánh thường khởi đầu những câu chuyện của mình rất chậm. "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cũng không ngoại lệ phong cách ấy, suốt gần 20 trang sách tôi vẫn trong cảm giác có thể buông sách bất cứ lúc nào, nhưng chỉ thêm vài trang nữa tôi thấy mình đã đọc liền một mạch đến trang cuối cùng đánh số 378.
Trong suốt cuốn sách, tôi hoàn toàn cố tình không chú ý đến bất cứ nhân vật nào. Trong suốt câu chuyện tôi không cố tìm chi tiết hay tính cách nhân vật càng không cố tình truy tìm cái "thông điệp" nào đó của nhà văn nếu có, đưa đến cho người đọc.
Có người nhận định Nguyễn Nhật Ánh rất giỏi trong đối thoại. Có người nói anh lại giỏi những chi tiết bất ngờ. Tôi cũng không cố tìm cái giỏi ấy xem nó ra sao, tôi muốn đọc tự nhiên như mọi người đọc bình thường khác, tôi quên tôi với anh là bạn bè, nếu nhớ là bạn bè thì thậm chí tôi sẽ khó tính hơn. Nhưng khi cuốn sách được gấp lại, những nhân vật của câu chuyện "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" bỗng đậm nét hơn nhiều lần trong trí nhớ của mình.
Cái láu lỉnh của nhân vật này, cái láu cá của nhân vật kia, cái thiện, cái ác, cái đố kỵ, cái vị tha, cái day dứt, cái hối hận hiện ra rõ ràng và nó mặc nhiên đi kèm với cái tên nhân vật. Nguyễn Nhật Ánh hoàn tất câu chuyện của mình bằng thủ pháp quen thuộc "khởi động chậm" nhưng lần này mới mẻ hơn trong chấm phá tính cách nhân vật. Mọi nhân vật của anh đều chỉ xuất hiện trong không quá 5 trang sách, trừ chương cuối cùng "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Vì sao hoa vàng, vì sao cỏ xanh? Thôi ta hãy đọc.
Tôi đã quá tuổi từ lâu nhưng khi đẩy chiếc dĩa CD vào đầu máy để nằm xem lại những cú bay lượn vi vút trên những tầng mây cao ngất của con Bàng điểu, hay nín thở theo dõi những chiếc bóng ma quái của các "Tử thần thực tử" từ một cuốn truyện phù thủy, thành bộ phim tốn kém và ăn khách nhất, nhì của lịch sử Hollywood thì một người không còn tuổi đọc Nguyễn Nhật Ánh như tôi khi mở cuốn sách của anh ra, vẫn có thể nhìn thấy "hoa vàng trên cỏ xanh…".
Chắc chắn!
ĐỖ TRUNG QUÂN
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn