Xem sách hay

Tội Lỗi Tự Nhiên

Mua ở đâu?
Tiến Đạt

Tiến Đạt

Tội lỗi tự nhiên gồm 11 truyện ngắn của cây bút sinh viên Tiến Đạt ngày nào với truyện ngắn Vào đời đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật tháng 8-1998, đã được đạo diễn Quốc Hưng dựng thành phim Tôi vào đời – đạt Huy chương vàng thể loại phim truyện Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2000.

Bia ôm, đĩ điếm, ngoại tình, phá thai… – những đề tài không dễ viết chút nào – chiếm lĩnh phần lớn nội dung tập truyện này. Hầu như không lời bình luận, thậm chí nhìn sự việc lạnh lùng dửng dưng như “một phần tất yếu của cuộc sống”, phía sau thái độ ấy lại ẩn chìm một cảm xúc đau đời – điều quyết định làm nên thành công của tác phẩm. Hãy đọc chậm và kỹ những câu truyện của Tiến Đạt.

Trích đoạn trong “Tội lỗi tự nhiên”

Cho đến trước khi bị ngọn lửa táp trọn khuôn mặt, anh sực nhớ nụ cười ngây ngô của cô bé bước chân vào lớp 1.“Anh cũng cần phải cứng cõi để công nhận một điều nhiều khi chúng ta không hòan toàn thuộc về nhau. Thậm chí chúng ta có những suy nghĩ về nhau tồi tệ. Như anh từng gọi thầm em là gái bao. Em cũng từng nghĩ rằng anh là thằng dại gái đến mê muội”

Anh ngồi quán nước trước cổng trường, chờ nàng hoàn tất hai tiết lịch sử triết học Tây phương. Nàng vào lớp lúc chín giờ.

Nửa tháng nay anh không gặp nàng. Anh ngưng làm tình với nàng.

Anh không muốn nàng nhìn thấy sự khó thở toát ra từ anh, từ sau tai nạn của thằng cháu trai. Nó đã bỏ lại tuổi trẻ và hoài bão của mình tại một nơi không tên tuổi. Một thanh niên có đầy đủ tố chất để thành đạt tại trung tâm thành phố lớn, nhưng quyết định chọn nghề bảo vệ sức tàn phá của bão biển rồi bỏ mạng sau cơn bão số 5.

“Em hoài nghi những người đồng trang lứa với mình sống lý tưởng?”.

“Anh thừa biết em đang nghĩ gì”.

Trong tận sâu thẳm anh, nàng hiện thân nhiều cung bậc.

Anh hoài nghi thời gian mình đã trôi qua với những cuộc tình đọng lại cảm giác vui trong khoảnh khắc. Anh cần một điều gì đó ở những cô gái anh yêu, nhưng anh chưa thể hình dung đầy đủ anh khốn khổ như thế nào nếu anh chung sống lâu dài với họ, chung đụng với họ hàng ngày với bao lo toan bề bộn.

Anh cũng chẳng thể hình dung được anh phải như thế nào nếu làm một người cha của một đứa trẻ với nàng.

Anh định nghĩa sự chung thủy chỉ là một sự gắn kết hai người khác giới trong một môi trường và không gian nhất định, còn khi buông nhau ra hai người có quyền tìm sự thuỷ chung với người khác. Nhưng chính anh không chịu được cảm giác bị lừa tình.”

Mời bạn đón đọc.

Tội Lỗi Tự Nhiên
(Thứ Sáu, 20/10/2006)
Tội lỗi tự nhiên – Sự trải nghiệm ám ảnh
Tội lỗi tự nhiên (tập truyện ngắn của Tiến Đạt, Nhà xuất bản Trẻ,10.2006) cuốn hút không phải bằng sự “giật gân” của đề tài như người ta tưởng, dù trong đó “lật vỉa” những chuyện khá “hot” thời hiện đại.

Chuyện gái gú đàn bà trong những cuộc làm ăn, mưu sinh, những quan hệ “ngoài luồng”, “mùi” bia ôm, những góc khuất của cuộc sống đô thị nhiều chiều… anh viết dửng dưng, không tránh né, sức mạnh của việc thể hiện những chi tiết đắt giá, nội lực của ngòi bút trẻ giàu vốn sống với những trải nghiệm âm thầm nhưng khá gay gắt đủ chinh phục người đọc theo một kiểu riêng, kiểu làm người ta nhức nhối, ám ảnh.

11 truyện ngắn trong tập truyện này phần lớn được Tiến Đạt viết trong thời điểm rất gần hiện tại (2005 – 2006), có thể thấy “nguồn” của một người đi nhiều và từng trải ở những môi trường khá nhạy cảm (Tiến Đạt hiện đang làm việc tại Tổng công ty Du lịch Sài Gòn). Cách viết của Đạt hiện đại, có nghề, anh không đưa ra những cốt truyện có đầu – cuối, có khi chỉ là sự chuyển biến hoặc đối lập hoặc song hành của những chi tiết, lát cắt, cho đến khi người đọc bị “ghim” lại, bị “chiếm lĩnh” bằng những xúc cảm, suy luận của chính họ.

Đối thoại trong truyện ngắn của Đạt sắc sảo, đủ sức lôi cuốn tư duy và chuyển tải nội dung đa chiều. Nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận xét, với tập truyện ngắn này, sau Vào đời (1998) khá nổi tiếng và Có con chim lạ trong thành phố (NXB Trẻ, 2003), bút lực của Tiến Đạt “trầm hơn, mạnh hơn, như một chiếc lò xo được nén lại…”, điều không dễ đối với những nhà văn trẻ. Khó đọc nhưng hấp dẫn và nhớ lâu.

B.Hạnh

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Tội Lỗi Tự Nhiên
(Thứ Ba, 24/10/2006)

Mảng “thần hồn” của thị dân

(Tội lỗi tự nhiên – tập truyện của Tiến Đạt – NXB Trẻ và Tủ sách Tuổi Trẻ xuất bản tháng 10-2006)

TT – Và là thị dân trẻ – đối tượng chính trên trang viết lâu nay của Tiến Đạt. Nhưng tập truyện lần này là một cuộc thử mình của anh theo cách thể hiện mới.

Dụng ý đó chưa dành cho toàn bộ 11 câu chuyện, nhưng có thể thấy rõ nhất giọng điệu khác lạ ở truyện ngắn Tội lỗi tự nhiên so với tay bút viết Vào đời hoặc Có con chim lạ trong thành phố trong ba năm trước đây.

Tiến Đạt thường dùng không gian truyện là những chuyến xê dịch, có lẽ bắt nguồn từ tuổi thơ nhiều biến động và công việc thường phải đi xa của anh. Không gian truyện vì vậy thường dự báo về một tâm thế bất an – chuyển tải một đặc điểm của lớp thị dân Việt Nam vốn xuất thân từ nhiều thành phần như hiện nay. Tiến Đạt muốn nhấn mạnh vào những trải nghiệm và cả những chấp nhận trả giá của cư dân trẻ tại những vùng đô thị. Anh vẫn còn nhặt lấy những xúc cảm hồn hậu của tuổi thơ, những khoảnh khắc trong trẻo của lòng người nơi thôn quê…, nên hóa ra chất “vào đời” của Tiến Đạt vẫn còn đó. Tuy nhiên, sức sống của thị dân bắt đầu chao chát trong văn anh khi hình tượng các cô gái bán thân, những nhân viên dùng rượu ngon, gái đẹp để hoàn thành các thương vụ – nhiều khi là nhiệm vụ “chính đáng” của ban ngành đoàn thể nào đó. Tiến Đạt từng tâm sự: “Cuộc sống mỗi thời định hình trong thị dân trẻ những ý thức hệ rất riêng. Làm nhà văn phải nắm bắt đúng và phản ánh chân thực những gì anh đang sống cùng người trẻ, cùng chung ý thức hệ của những người sẽ đọc văn anh”.

Cái hơi văn thản nhiên trong Tội lỗi tự nhiên là minh chứng cho “công phu” trải nghiệm sâu sắc những lối sống đang diễn ra thực tế từng ngày.

Một cô gái thuộc “thế hệ 8X” có cái “thú riêng” là hủy diệt mầm sống trong mình sau mỗi lần quan hệ tình dục, một gái làng chơi quyết định đối xử chân tình với nhân vật đang bị pháp luật và báo chí săn đuổi, một cô sinh viên có đời sống tình dục phức tạp với người bạn vong niên… Tất cả tề tựu vào trang viết của Tiến Đạt tự nhiên như chính anh quờ tay chạm phải trong một cái xoay mình. Điều đáng quí của anh có lẽ là ở cái đầu tỉnh táo và độ sâu sắc trong cảm nhận đủ để nhận ra sự tinh tế của con người dù trong hoàn cảnh có tàn khốc trần trụi đến đâu. Do vậy, dù trang viết không dụng công đến mức xuất thần bằng chi tiết và tư tưởng, nhưng sự chân thực và khéo léo trong cách sắp xếp các hình mẫu nhân vật mang lại sự tin cậy như một sự chia sẻ. Cho nên có thể nói trang văn cũng chính là một mảng hồn của thị dân hôm nay.

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Tội Lỗi Tự Nhiên
Hai góc nhìn cuộc sống
(SGGP:: Cập nhật ngày 01/11/2006)

Trung tuần tháng 10, NXB Trẻ giới thiệu tác phẩm mới nhất của nhà văn trẻ Tiến Đạt nhan đề Tội lỗi tự nhiên; NXB Hội Nhà văn và Công ty Truyền thông Nhã Nam ra ấn phẩm khác có cái tựa đầy chất @: katie.com.

Rõ ràng, rành mạch, tác phẩm Tội lỗi tự nhiên của tác giả một Vào đời (truyện ngắn thời sinh viên của Tiến Đạt) ngày nào đã thể hiện đúng cái chất vào đời đầy tự nhiên.

Tiến Đạt đã đưa những cái nhìn được, cảm nhận được vào 11 truyện ngắn của anh, 11 câu truyện thể hiện cái nhìn của một con người bất lực khi thấy những câu chuyện xã hội đầy cay đắng, những dằn vặt, đau đớn của cuộc sống thực dụng đôi lúc trở nên tàn nhẫn.

Ảnh: T.V.

Đúng như lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Đông Thức trong lời mở đầu rằng tập truyện này của Tiến Đạt “khó đọc”.

Khó đọc từ cách hành văn đôi lúc mang tính tâm thế, đôi chỗ thậm chí hơi rờn rợn đến cả nội dung đậm chất siêu hình với những đoạn dài triết lý.
Nếu xét về mặt phản ánh những góc khuất của cuộc sống thực dụng đầy phồn hoa, có thể nói Tiến Đạt đã phần nào thành công.

Nếu Tội lỗi tự nhiên là một tác phẩm văn học phản ánh cái nhìn cuộc sống hiện thực qua lăng kính của một nhà văn trẻ thì katie.com lại là hiện thực trần trụi được chính người trải qua kể lại.

Cuốn sách là lời tự truyện của cô bé gái Katherina Tarbox, một cô bé mới lớn có cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng thiếu thốn về tinh thần khi cha mẹ cô ly dị nhau.

Để lấp đầy khoảng trống đó, Katie tham gia các trang web chat và tại đây cô tìm được một người bạn trai tên Mark. Với tài nói chuyện khéo léo, Mark đã chiếm được cảm tình của Katie và thậm chí cô đã tin rằng đó là tình yêu.

Mãi đến khi lần đầu tiên gặp gỡ, Katie mới bàng hoàng phát hiện ra đó không phải là con người tuyệt vời như mình vẫn thường trao đổi trên mạng. Không chỉ có nỗi đau về thể xác, Katie còn phải chịu đựng sự giận dữ của cha mẹ, thái độ xa lánh, cái nhìn kỳ thị của bạn bè, thầy cô, hàng xóm và trên hết là cảm giác hoài nghi cuộc sống cùng nỗi ám ảnh và sự lừa dối của con người.

Hơn phân nửa cuốn sách là cuộc chiến vượt qua mặc cảm trở về cuộc sống bình thường của cô bé cũng như đưa kẻ bệnh hoạn ra trước pháp luật.

Hai cái nhìn, hai góc độ, hai thế giới nhưng lại phản ánh một thực tế rằng tuổi trẻ hiện nay đang là thế hệ chịu ảnh hưởng mạnh nhất của mọi sự thay đổi trong xã hội và cũng chính họ lại chứa đựng niềm hy vọng mạnh mẽ nhất hướng về một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn.

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Vô Hồn – Chuyện Về Một Người Không Chân Chính

Hoang phí như kẻ vô hồn

Ngày 25/07/2007

Không phải văn chương, cũng không phải do xuất thân của tác giả, doanh nhân kiêm nhà báo Sergey Minaev, mà chính những hiện thực tàn nhẫn của nước Nga đầu thế kỷ 21 buộc người ta phải đọc tập sách này.

Giống như tự truyện với nhân vật xưng Tôi, câu chuyện bắt đầu từ một quán cà phê thời thượng của Moskva, nơi “có rất nhiều gái điếm giả nai đóng vai những thiếu nữ thủ đô ngây thơ ngơ ngác và vô số các con nhà lành thủ đô không hiểu tại sao lại thích giả điếm”. Những nhân vật trong sách chỉ quan tâm đến các tạp chí, rượu, xe hơi xịn, cửa hàng thời trang cao cấp, nhà hàng, quán bar, vũ trường, văn hóa DJ, performance, tivi, và cuối cùng là tình dục, thứ tình dục thừa cặn sau một ngày đắm chìm trong men rượu và ma túy.

Tôi chỉ mới hai chín tuổi, đã bốn năm là giám đốc kinh doanh của một công ty kinh doanh đồ hộp Pháp vào Nga, một công ty ra đời bởi những người “một đêm có thể nướng hết hai nghìn đô nhưng hôm sau lại có thể kiếm ra năm nghìn mà chẳng biết tại sao”. “Với mức lương ngất ngưởng và tiền thưởng hàng năm hậu hĩnh” nhưng Tôi lại có cái nhìn hết sức cay độc: giám đốc kinh doanh “là một biến thể hiện đại của loại điếm cao cấp, vừa phải chiều chuộng đám chủ luôn yêu cầu doanh số quá cao, vừa phải làm hài lòng nhân viên cấp dưới…”.

Với tâm thế như vậy, Tôi vừa tham gia tích cực vào mọi hoạt động hưởng lạc của “nhóm” mình: “một cõi đầy ắp khoái cảm nhục dục với đám gái làng chơi, với thứ nước giải sầu cay cay, với thứ ma túy phiêu linh và nhạc dậm dật chốn vũ trường” lại vừa âm thầm phỉ nhổ nguyền rủa chúng. Mỗi thành viên như Tôi đều đánh mất sự tự tin, bị bao vây và lệ thuộc vào các giá trị mới du nhập, và xã hội Nga cứ thế mà phân hóa một cách mục rã. Kẻ nào nhìn ra bản chất của xã hội ấy và có đủ độ lưu manh cần thiết đều có thể trục lợi một cách dễ dàng. Sáng kiến kinh doanh của Misa mới trở về từ New York: “Hãy vẽ cho họ ý tưởng cầu kỳ nhất, món ăn vớ vẩn nhất với giá trên trời nhất… Hãy cho họ những đêm giải trí ngu xuẩn nhất. Và họ sẽ tự mang tiền đến cho cậu”.

Chán chường đám thị dân Moskva chỉ đua đòi ăn chơi và hoàn toàn vô can, vô cảm với cả quá khứ lẫn tương lai nước Nga, Tôi lại càng ngán ngẩm trước kiểu gồng mình tự tôn của những người bạn – công dân Peterbourg. Cuộc đối thoại dài của hai nhân vật đang say cần sa chính là chủ đề của tập sách: ai sẽ là người cứu chuộc nước Nga và nhân dân Nga? Bởi quan niệm của người bạn Peterbourg lại quá luẩn quẩn: “Chúng tớ ở đây toàn dân trí thức, còn ở chỗ các bác rặt những lũ đầu cơ… Xung quanh chúng tớ toàn là những tượng đài lịch sử, trong khi chỗ các bác lại chỉ rặt những nhà hàng hay vũ trường…”. Liệu có thể tin cậy, hy vọng gì vào những con người như thế?

“Có lẽ sự hồi chuyển của các xác ướp trong nhiều cuộc chơi bời nhậu nhẹt đã làm tiêu tan hoàn toàn trong con người tôi khả năng giao tiếp với những người bình thường rồi”. Đó là ý thức về sự bất lực của Tôi, khi yêu Julia mà không biết cách nào để bày tỏ. Và cuối cùng Tôi đã làm hỏng mọi thứ, đánh mất luôn mối quan hệ duy nhất có thể cứu mình, trả mình lại cho thế giới con người từ thế giới xác ướp. Tôi muốn kêu cứu, muốn báo động rất nhiều thứ với rất nhiều người nhưng hình như tất cả đều đang mơ hồ, cả về chỗ đứng của mình lẫn chỗ đứng của cộng đồng: “Trong khi chúng ta đang loay hoay đẻ trứng thì trên đất nước chúng ta đã xuất hiện những chủ nhân ông mới – những kẻ thiết lập luật pháp mới… Trong cái sơ đồ tổ chức quốc gia và phân bố lợi ích, của cải được vẽ lên bởi những ông chủ mới, không có chỗ cho chúng ta. Trong khi bạn hoang phí cuộc đời mình trong rượu mạnh và ma túy, đã có ai đó kịp thay đổi tất cả…”.

Với câu chuyện khai thác cuộc sống thời thượng và trở thành sách best – seller, Vô hồn lại đặt ra một luận đề nghiêm túc. “Mỗi người trong chúng ta đang tự cảm thấy mình là kẻ chiến thắng, trong một quãng thời gian ngắn, mà không hiểu là có thể chiến thắng một trận đánh nhưng lại bại trận trong cả cuộc chiến tranh”. Công dân Sergey Minaev đã phát ngôn như thế, qua nhân vật chính, Tôi.

Ngô Thị Kim Cúc

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Đất Việt Trời Nam – Tiểu Thuyết Lịch Sử (Bộ 3 Tập)

Ngày 10/08/2007
Đan Thành – tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử Đất Việt trời Nam:

Lịch sử có quyền được biết đến một cách giản dị

TT – Không phải một sử gia hay nhà văn lão thành tên tuổi nào cả, tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử Đất Việt trời Nam là một cái tên hoàn toàn lạ lẫm: Đan Thành (tên thật: Phạm Thành). Phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm gặp tác giả sau khi đọc một mạch hết ba tập sách đồ sộ này.

Đó là một người đàn ông trung niên dáng dấp bộ đội phục viên hiền lành, chất phác nhưng đầy tự tin. Ông nói say sưa về bộ tiểu thuyết ấp ủ 20 năm của mình:

– Tôi mê sử từ khi còn bé, những nhân vật lịch sử, những sự kiện, đặc biệt là các nhân vật và sự kiện liên quan đến các võ công hiển hách của dân tộc. Từ hồi còn là lính, tôi đã bắt đầu đọc sách sử, đặc biệt là Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) và sưu tầm tư liệu để chuẩn bị cho việc viết truyện lịch sử. 20 năm sau khi ra khỏi quân ngũ, tôi mới có điều kiện để ngồi yên một chỗ mà viết. Và tôi bắt đầu bằng bộ truyện về nước Việt thời nhà Trần.

* Tại sao lại là về thời nhà Trần mà không phải bất cứ một triều đại nào khác?

Trong khi thế hệ trẻ đang dần quên, thậm chí không biết gì đến lịch sử dân tộc thì theo tôi, lịch sử nên và có quyền được biết đến một cách giản dị và dễ hiểu nhất. Đó là cách mà tôi chọn. Tôi bám sát vào từng sự kiện lịch sử, đặc biệt là các trận đánh để làm cấu trúc chính cho bộ sách của mình.

– Ai đọc sử Việt cũng thấy ngay rằng đó là một thời đại hào hùng, bi tráng và đặc biệt nhất trong lịch sử dân tộc. Mỗi nhân vật được sử sách nhắc đến đều có thể viết một cuốn tiểu thuyết về họ, không chỉ là Trần Hưng Đạo hay Trần Thủ Độ mà bất cứ ai trong số các vua tôi, tướng lĩnh, quan lại nhà Trần: Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Toản… đến những kẻ phản bội như Trần Ích Tắc… đều có những số phận đặc biệt, rất hấp dẫn nếu biết khai thác từ góc độ văn chương.

Đọc sử rồi, tôi lần mò đến từng địa danh: Bạch Đằng, Vân Đồn, Yên Tử, Kiếp Bạc, Chương Dương, Lục Đầu Giang… gom góp những mảnh sử vụn còn sót lại trong dân gian, mới biết dân ta còn giữ nhiều huyền sử về thời đại này lắm. May mà nhà tôi có nghề làm thuốc gia truyền đã mười mấy đời, nên cứ mỗi chuyến đi tìm dược liệu là một lần tôi kết hợp đi tìm sử liệu.

Tôi đã lang thang sang đến cả Vân Nam – Quảng Tây, suốt một dải dọc biên giới Trung – Việt để hình dung ra những con đường hàng hóa cũng như đường hành quân của các đội quân ngày xưa. Càng đi, càng biết, càng thấy tự hào về cha ông mình và càng thấy không viết cái gì đó thì không chịu được.

* Có phải vì sợ lặp lại những nhà văn viết về lịch sử đi trước mình mà ông đã chọn nhân vật trung tâm của bộ tiểu thuyết là Trần Khánh Dư – một danh nhân “có tì vết”, để hi vọng tạo sự độc đáo nhằm thu hút độc giả?

– Trần Khánh Dư là nhân vật tâm huyết của tôi. Đức Thánh Trần Hưng Đạo thì ai cũng biết, cũng ngợi ca, nhưng theo tôi, cùng với Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư mới là nhân vật tiêu biểu tạo nên cái cốt cách lạ lùng của dòng họ Trần trong lịch sử VN. Trần Khánh Dư vừa thông minh, tài hoa, vừa giỏi buôn bán vừa thạo binh thư, nhưng ông ta cũng là kẻ tham lam, hiếu sắc, ngông cuồng. Trần Khánh Dư coi trời bằng vung nhưng lúc cần cũng rất ân cần, chan hòa với binh sĩ dưới quyền.

Tôi đã đến Vân Đồn hàng chục lần, ở lại hàng tháng trời để tìm kiếm những dấu tích còn sót lại, trò chuyện với những cụ già ở địa phương. Đứng giữa vùng trời nước mênh mông ấy nhìn tàu bè qua lại tấp nập hôm nay, tôi càng tin mình viết về Trần Khánh Dư là đúng. Dân ta vốn có truyền thống trọng kẻ sĩ mà khinh người buôn bán; thích sông nhưng sợ biển. Nhưng Trần Khánh Dư thật sự là bộ óc vượt lên thời đại: ông đã là một trong những người đầu tiên chủ trương lập thương cảng Vân Đồn và mở rộng thông thương hàng hải. Có như vậy thì chiến thuyền của quân nhà Trần mới quen được với việc tuần tiễu và tác chiến trên biển.

Tôi nghĩ các nhân vật lịch sử không phải thần thánh, họ cũng là người thường, nhiều ham muốn, thậm chí tầm thường, nhất là khi sinh ra đã được nhiều quyền lợi hơn người khác, và được đặt vào những vị trí luôn luôn có nhiều cám dỗ.

* Ông nói nhân vật thứ hai mà ông tâm huyết là Trần Nhật Duật – bộ óc tài hoa, người trí thức của thời đại – một sự đối trọng và bổ sung của Trần Khánh Dư, nhưng có lẽ người đọc không thấy thế. So với Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật của ông mờ nhạt hơn nhiều. Ông chỉ muốn viết đến thế, hay ông chỉ viết được đến thế?

– Tôi yêu nhân vật này lắm đấy. Đấy là người trí thức mà thời đại nào cũng muốn có. Ông ta tài hoa và quảng giao, sắc sảo và độ lượng, có tầm nhìn xa và có sự tinh tế trong từng ứng xử nhỏ nhất. Sử cũng ghi chép về ông ta như là nhà ngoại giao và nhà ngôn ngữ bậc thầy. Nếu bạn đọc không thấy hết được điều đó trong tác phẩm của tôi thì chắc chắn là vì…sức tôi có hạn rồi.

* Mở đầu văn nghiệp ở tuổi gần 60, bằng một bộ sách đồ sộ về lịch sử, ông chỉ định dạo chơi cho vui thế thôi hay là có ý định hoàn toàn nghiêm túc với văn chương?

– Tôi hoàn toàn nghiêm túc, và sẽ thủy chung với đề tài lịch sử. Tôi đang bắt tay vào viết tiểu thuyết về Hai Bà Trưng. Sử liệu ít hơn nhưng sẽ có quyền tưởng tượng bay bổng hơn. Và sẽ bớt chất “lính” hay chất “tư liệu” đi như nhiều người từng góp ý, chắc thế.

* Xin cảm ơn. Và chúc tiểu thuyết lịch sử thứ hai của ông nhanh đến tay bạn đọc!

THU HÀ

Mua ở đâu?