Cuốn sách xoay quanh câu chuyện tình kéo dài hơn nửa thế kỷ giữa một cô gái, nếu xét theo tiêu chuẩn Hà Nội cổ, thì có thể gọi là tiểu thư – con một nhà tư sản thường thường bậc trung, làm nghề in, theo đạo – với một anh công chức bình thường đã có vợ con đề huệ. Nói theo giọng ngày nay, thì đây là một vụ “tình tang bền chặt nhất.
Thời gian câu chuyện bắt đầu từ những năm 50 của thế kỉ XX, khi người Pháp còn cai trị; và khói súng chiến tranh đã bắt đầu tràn đến Hà Nội. Nhận vật chính, anh chàng công chức có tên là Long, cùng với Phong, anh trai của Vân – nhân vật nữ chính – để chạy trốn lệnh tổng động viên, đã trốn vào nhà dòng, rồi lên trại đào Nhật Tân. Xung quanh cuộc tình đa đoan này, là hình ảnh của Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử dưới thời Pháp đô hộ; Thủ đô được giải phóng, cải tạo tư bản tư doanh, thời kỳ hoà bình ngắn ngủi, máy bay Mỹ ném bom miền Bắc… Rồi Hà Nội trong thời kỳ hành chính, quan liêu bao cấp, cho đến Hà Nội đổi mới hôm nay.
Cái hay của Tình Nhân, là sự mô tả chân thực hàng chục nhân vật đa dạng – từ gã bắt rắn hàng Cáo sau trở thành Chủ tịch xã, ông cai thầu thời xưa, anh công chức, viên mật thám Tây, anh bộ đội làm cải tạo tư bản tư doanh, những bà mẹ Hà Nội một thời, cô sen giúp việc và cả hình bóng những cô cave đương đại của đầu thế kỷ XXI, cùng đám thanh niên tiêm chích, nghiện hút…
Một cuộc triển lãm trưng bày chân dung phong phú của Hà Nội trên nửa thế kỉ. Một cái hay nữa, là với cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Hiếu đã mô tả chất Hà Nội đậm đặc – từ lời ăn, tiếng nói của các nhân vật năm 50, đến lối sống của công chức Hà Nội cổ, cách trưng diện quần áo, cả cách dùng mùi xoa, nước hoa cầu kì…
“… Nghe tiếng cánh cửa dưới nhà ập lại, Vân càng hoảng sợ hơn. Cô cố giãy thật mạnh và nói dồn dập qua hơi thở đứt đoạn, yếu ớt:
– Không thế đâu. Không… không…
Cả hai thân người đổ ập xuống mặt giường êm ả bởi có chiếc đệm mút mà dạo bé cô từng nghe là bố đã mua tận bên Ai Lao đúng vào dịp vua nước này cất công sang Hà Nội chơi hè và lên Bách Thảo xem chọi gà. Vân cố vùng dậy nhưng càng quẫy đạp mạnh thì cô càng cảm thấy thân người cô như càng gắn chặt với thân thể người đàn ông. Khi đôi chân của Vân bất ngờ bị một chiếc chân cứng chen vào, tách đôi ra. Một bàn tay nóng rực chạm vào làn da bụng thì cô nhắm nghiền mắt lại, hai tay buông xuôi. Sau cái nhói mạnh dường như làm cho cơ thể cô tan ra hàng trăm mảnh thì từ chính nỗi đau đó cô tưởng sẽ tấy lên cơn đau đớn khủng khiếp giống như cảm giác của đêm giông bảo trong chiếc lều tả tơi của người chữa xe đạp bên bờ Hồ Tay mịt mùng ngày nào. Nhưng tất cả như ngược lại, Vân cảm thấy lo sợ khi thấy mình đang chìm trong một cảm giác êm ái và say mê dường như không thể có gì cưỡng được. Cảm giác đó đặc quánh lại, bùng nhùng ngày càng hiện rõ, ngày càng dâng cao lan toả khắp con người cô…
Tất cả trời đất như tan biến đi tất cả trong niềm say tê dại. Mọi thứ luân lý, mọi sự e dè, giữ gìn cẩn trọng của giáo lý, của lẽ đời bỗng chốc nát vụn. Sự ý tứ và cả những ước ao về một cuộc đời bình yên, hạnh phúc mà bất kỳ một người đàn bà bình thường cũng đều ao ước , trong đó không có sự tranh chấp, cướp đoạt, lừa đảo đều như hư vô trong cơn bão của cảm xúc vô thức mà người ta thường gán lên những từ ngữ đẹp đẽ về niềm hạnh phúc và tình yêu vô tư không vụ lợi…
Khi hai người choàng dậy tất cả như đất trời sau cơn bão hoang dại. Người ta nhìn lại mặt đất đổ nát và hiểu rằng tất cả đều phải làm lại từ sự bắt đầu và trong sự chuyển vận của muôn loài thì sự yên tĩnh và sự chuyển động luôn luôn gắn chặt với nhau bình yên trong một thể trong đó yên tĩnh là sự vĩnh viễn còn bão táp, sóng gió chỉ là tạm thời. Mọi cố gắng của con người, của quần thể là gìn giữ bảo vệ sự bình an đó. Vân cúi đầu lặng thinh. Cô muốn nói thật nhiều để trách móc, để giận hờn nhưng cô không tài nào mở miệng, một phần cô không biết bắt đầu như thế nào, phần khác cô biết Long đang chăm chú nhìn cô…” (Trích đoạn Tình Nhân).
Mời bạn đón đọc.