Xuân Cang với Những ngày thường đã cháy lên và Nhật Tuấn với Bận rộn.
Trong Những ngày thường đã cháy lên tác giả viết về nhân vật tôi (Thuận), một nhân vật tiểu tư sản, cách mạng nửa vời, không dám sống, không dám dấn thân, không dám hy sinh, ngay cả trong tình yêu, và cuộc sống. Chính vì vậy anh đã để tuột mất Khuê, tuột mất hạnh phúc thực sự của cuộc đời mình.
Tác phẩm cũng thể hiện sự xung đột sâu sắc giữa hình ảnh một người quyền biến, linh hoạt, có tính quyết đoán cao, định làm gì là làm bằng được (ông Thường) và một bậc lão thành cách mạng, tuy già nhưng lại có tư tưởng quyết liệt, và đấu tranh mãnh liệt cho cái mới, đó là ông cụ của Khuê. Cụ luôn chọn con đường đi đến tận cùng, trong cả công việc và cuộc sống.
Điểm sáng của tiểu thuyết là Khuê, một cô gái thuộc tầng lớp trẻ, khao khát tìm cái mới, và ở những giờ phút phải lựa chọn một hướng đi cho cuộc đời, thì luôn quyết liệt, và ương ngạnh nữa. Quả đúng là một người thiếu nữ có trái tim sắc cạnh như một thỏi sắt vẫn còn nguyên ba-via.
Trong tiểu thuyết cũng có những nhân vật phi nhân tính, phi đạo đức nhưng leo lên và được bầu vào những chức, những quyền trong xã hội, trong cơ chế chính trị ta. Và cứ nhân danh tất cả những cái thiêng liêng trong đời sống con người, và che dấu được tất cả.
Với Bận rộn, Nhật Tuấn mang đến cho bạn đọc hình ảnh của Hạnh, một cô gái đẹp không chê được, nhưng chính vì thế lại rất khe khắt trong việc chọn lựa và trao gửi tình riêng.
Hạnh chỉ muốn chọn một lần trong đời. Sự lựa chọn luôn luôn phải đi qua cái đầu trước khi tới được con tim. Người được mặt này, lại thiếu mặt khác. Cái đầu đã chặn đứng tất cả, làm sao con tim có thể rung động? Hạnh đã khước từ hàng chục cơ hội lẽ ra có thể đưa tới một rẽ ngoặt. Nhưng không, cái vòng tròn độc thân vẫn khép kín lại quanh cô, trong đó cô vẫn sống vui tươi, vẫn yên tâm rằng ngay cả trong hôn nhân, rồi đây cô cũng sẽ may mắn như mọi chuyện khác trong đời cô. Cô tin vào sắc đẹp, vào tài sản và địa vị xã hội, nhất định các cái đó sẽ đưa tới cho cô tình yêu xứng đáng! Cô thường nghĩ người đời cứ hay làm rối tung lên khái niệm tình yêu vốn rất giản dị. Tước bỏ những cái bên ngoài xem ra khó lý giải, thực chất nó chỉ còn là một tương quan như cái bập bênh trong trò chơi trẻ con. Những người đã tới lăm le phá vỡ những vòng tròn kia, đều quá nặng hoặc quá nhẹ, báo trước một cuộc tình đầy rắc rối và phiền muộn mà cái đầu không cho phép cô dấn sâu khi biết trước chẳng đi tới đâu.
Bây giờ Thành đã đến và đã ngồi vào đầu bên kia của cái bập bênh….
Còn Thanh thì sao? Một cô gái xinh đẹp, vừa cười cợt, vừa chờn vờn với tình yêu. Cô làm đàn ông căm ghét, thương xót, thậm chí ghê tởm, nhưng không sao quên được. Cô có một cái gì rất hấp dẫn. Cô không mang đến niềm vui và sự sung sướng. Cô chỉ mang đến nỗi buồn và sự đau khổ. Nhưng mà đàn ông chấp nhận những giọt đắng ấy. Và người đàn ông đó là Phong.
Họ là những con người của cuộc sống hôm nay với những lý tưởng sống mãnh liệt và những giá trị rõ ràng. Họ dám sống, và khao khát sự siêu việt trong hành trình không bao giờ ngưng nghỉ của cái mới. Họ sợ sự chật hẹp và đơn điệu tủn mủn. Họ khao khát ôm trọn cả cuộc đời này, được tan hoà trong đó, được đi đến tận cùng của khổ đau, sung sướng và nhất là… yêu và được yêu….