Hiện nay, chị là cây bút tiêu biểu của Bình Định. Khi cầm bút, chị luôn tâm niệm lời khuyên của nhà văn Paustovski: "Hoặc viết bình dị về một điều khác thường; hoặc viết khác thường về những điều bình dị". Với tập truyện ngắn Tiếng hát liêu điêu (NXB Trẻ), có lẽ chị đã chọn cách thứ hai.
Hầu hết các nhân vật trong tác phẩm này đều là những con người bình dị mà dường như ta đã bắt gặp trong cuộc sống, nhưng với tài quan sát của một nhà văn, chị đã phát hiện ra những điều "khác thường". Chẳng hạn, nhân vật trong truyện ngắn được chọn làm tựa chung cho cả tập sách đáng yêu biết dường nào: "Thấy cứ buồn cười! Người chồng đạp cái xe đòn dông chở một phụ nữ – vợ và một bé gái – con. Người anh ốm yếu nên đạp ngó ì ạch lắm. Cặp chân ngắn ngủn khiến anh cứ phải chệch một bên mông để chân với tới pê-đan. Cái thân nhìn rất khổ mà khuôn mặt nhìn rất sướng. Đầy vẻ hân hoan, hạnh phúc và hãnh diện. Người vợ lại là một đối nghịch. Tóc dài thả bay vờn lượn trên cái lưng thon thả và chỗ ngồi phía sau rất thoải mái ung dung. Phong cách thì thế nhưng đôi mắt, khuôn mặt nghe ra quá ưu tư mỗi khi ngước nhìn. Bé gái là sự gộp chung của những hoan hỉ cùng âu lo, và rất gầy".
Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ chia sẻ: "Những nhân vật của tôi ở quanh đây và ở đâu đó. Lẫn trong số đông, nhòa lấp và chạnh ra một cõi, lẻ đơn. Không khó để tôi gặp được họ, làm thân và sống cùng… Và khi lặn ngập vào tận góc khuất nơi tâm hồn họ, tôi mới nhận ra mình đã yêu thương họ biết bao, cảm thương cho thân phận họ biết là dường nào!"
Trong tập truyện này, qua các truyện như Và đêm, lặng nghe tôi hát, Nhốt hộ những tiếng thở dài, Giêng hai vênh một nỗi buồn, Người cũ, Đợi những sớm mai … có lẽ chúng ta khó quên nhất vẫn là những người phụ nữ trong xã hội hiện đại có nhiều nghị lực và luôn ước mơ về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Quế Hương nhận xét: "Đọc Nguyễn Mỹ Nữ thấy cái thương chật lòng. Thương mà thành ra truyện, đọc truyện sao mà thương".
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu ngày 01/4/2013)
A.H
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn