Trong truyện ngắn Chữ tâm huyền bí có lời đề từ của chính tác giả Viết từ những giấc mơ buồn. Đây không phải lời đề từ cho riêng truyện ngắn này. Đó phải là lời đề từ cho cả cuốn sách, trước khi các câu chuyện được bắt đầu. Bởi vì 12 truyện ngắn trong tập Thung lũng đá mồ côi đều vang lên đâu đó trong các trang viết một cái gì rực ấm và buồn bã, mê sảng và cô độc, hoang mang và đau đớn. Tất cả những câu chuyện Đỗ Doãn Hoàng kể đều trôi trong trạng thái ấy.
Mỗi khi đọc xong một chuyện, một câu hỏi lại vang lên: miền quê trong câu chuyện đó ở đâu? Câu trả lời lần nào cũng là: nó ở cuối trời. Nó hiện lên trong một thứ ánh sáng của hoàng hôn bàng bạc. Nó trôi lang thang trong giọng kể của tác giả như một đám mây đầu đông. Và một câu hỏi khác cũng vang lên: con người trong câu chuyện ấy còn sống hay đã chết? Và câu trả lời lần nào cũng là: con người ấy đang trôi dạt cuối trời, đang cày cấy cuối trời, đang bệnh tật cuối trời, đang sợ hãi cuối trời, đang chống chọi với quá nhiều thách thức của cuộc đời cuối trời…
Cảm giác đó là do ngôn ngữ và không khí của truyện mang lại. Mỗi con người trong truyện của Đỗ Doãn Hoàng là những con người hình như chẳng có ý nghĩa gì đối với xã hội nhưng lại chứa đựng trong họ những bí ẩn nào đó của đời sống. Những câu chuyện và những nhân vật trong đó thật quen thuộc nhưng nó luôn trôi dạt trong một không gian và thời gian khó xác định. Có nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất tạo ra cảm giác ấy là tất cả được thân phận hoá và ký ức hoá.
Mười hai truyện ngắn của Đỗ Doãn Hoàng chia làm hai mảng: những miền quê và những đô thị. Đời sống đô thị đối với anh vẫn chỉ là một đời sống tạm với những sự kiện từng ngày. Còn những miền quê dù nghèo đói tăm tối đến đâu thì vẫn là tài sản tinh thần vô giá của anh…