Thú Hoang mở đầu với không gian trong lành của một vùng quê có niềm vui, những trò nghịch ngợm của các cô cậu học trò lớp đệ Tứ A. Xuất thân từ gia cảnh bình thường, lớn lên trong một xã hội bị chiến tranh giằng xé, những Liễu, Đức, Kim, Oanh, Tín… không thể đứng ngoài thực tại. Trò đùa vui thời thơ ấu nhường chỗ cho toan tính đời thường, tình bạn thời thơ ấu cũng nhường chỗ cho tình yêu, lọc lừa.
Tác giả không bình phẩm những nhân vật của mình đáng thương hay đáng trách. Bà chỉ lẳng lặng vẽ lại chân dung từng người, hợp lại thành “nhóm người” và làm thức dậy cả một quá khứ lịch sử. Những từ ngữ rặt chất Nam bộ đã lâu không còn xuất hiện trên văn bản bỗng gọi nhau trở về. Những ngôi nhà cổ, những con người từng sống, từng sinh hoạt, nói năng, yêu đương, đau khổ, sống chết ở đó góp phần tạo nên giá trị văn hoá cho một giai đoạn đã trôi qua.
Tác giả Nguyễn Thị Thụy Vũ là một trong năm nữ nhà văn nổi tiếng nhất của văn học miền Nam trước 1975. Câu chữ giản dị, không quá thiên về kỹ thuật, không hạn chế sử dụng ngôn từ dân gian đậm chất Nam Bộ là “phong cách” rất riêng của bà. Đọc truyện của bà, người ta có cảm giác được nghe người từng trải tỉ mỉ kể lại những câu chuyện đời, không hề xen những bình phẩm mà từng nhân vật cứ lần lượt thể hiện mình qua cái nhếch mép kín đáo, cái chớp mắt cúi mặt để lướt qua những cơn buồn…
Mời bạn đón đọc.