Thư gửi chính mình, hay là những bộc bạch tâm hồn, những triết lý và trải nghiệm của một người đàn ông trong thời hiện đại, cũng có thể là sự phân thân của trạng thái đa nhân cách ở mỗi con người hậu hiện đại. Dưới hình thức những bức thư gửi giữa nhân vật tác giả và một người bạn ở phương Tây, họ tự xưng là Thầy Cả và Sứ Giả Bình Minh, bối cảnh có khi là Paris, Pháp, có khi là Barcelona, Tây Ban Nha… có khi là Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội, những địa danh đô thị gợi thú phiêu lưu hấp dẫn, cuốn sách dẫn dắt người đọc qua những trải nghiệm văn hóa và suy tưởng.
Pha trộn những ký ức giản dị và những suy nghiệm có tính tôn giáo, triết học, Thư gửi chính mình cũng như một cuộc dạo chơi của một lãng tử. Một cuốn sách mang nội dung có vẻ vô mục đích, hay chính vì vô mục đích mà đầy chất thơ. Chính vì vậy, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi viết lời tựa đã tặng một bài thơ, và nhận xét “Cuộc trao đổi thư từ giữa Thầy Cả và Sứ Giả Bình Minh khiến tôi nghĩ đến cuộc đối thoại tưởng tượng giữa kẻ ham chơi Alexis Zorba với nhà văn Kazantzakis, người đẻ ra mình. Nó cũng gợi đến cuộc song thoại nội tâm đầy dằn vặt và không bao giờ kết thúc giữa nhà truyền giáo Leo Tolstoy và con người hoan lạc Leo Tolstoy – một biểu tượng nhị phân vĩ đại. Hiển nhiên đó là những lá thư Hà Quang Minh viết gửi chính mình. Đó là những hồi ức vô cùng đẹp đẽ và thơ mộng về một tuổi hoa niên đã ra đi và không ngừng chập chờn quay lại. Và cũng vì, dù cuộc tự khảo sát các giá trị sống đó có đi xa đến đâu chăng nữa, trong cuốn sách này Hà Quang Minh vẫn ám ảnh rằng tương lai là một điều bất định…”
Tìm kiếm những vẻ đẹp tâm hồn trong thế giới này, người đọc sẽ tìm thấy chất thơ của một dòng sách có khả năng diễn tả những góc cạnh tinh vi của tâm hồn mà chỉ bộc lộ qua những lá thư riêng tư như thế.
Mời bạn đón đọc.