“… Người đàn bà kéo ghế ngồi sát ông Cử, giọng nhỏ lại:
– Chắc ông cũng biết, lực lượng Việt Minh đang rất lớn mạnh. Anh Khôi đang được thượng cấp đặc biệt tin cậy giao nhiều trọng trách. Tại Việt Bắc, chiến cuộc Thu – Đông đã giáng cho quân Pháp những đòn chí mạng…
– Thưa cô. Thế lực quân Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ còn hùng hậu lắm – Ông Cử lắc đầu, có ý phản bác những điều Cam vừa nói – Vụ quân Pháp nhảy dù xuống Phương Đình, Ba Thấu vừa rồi khiến Việt Minh bị mất chỗ đứng…
– Pháp nhảy dù trong thế yếu. Nó chứng tỏ Pháp phải chống trả với Việt Minh ở ngay sát nách Hà Nội. Theo nhận định của thượng cấp, sắp tới Pháp sẽ thiết lập một hệ thống đồn bốt dọc tả ngạn sông Điền, lập chế độ tề nguỵ để bảo vệ vòng ngoài Hà Nội và khống chế Việt Minh ở vùng tự do Liên khu Ba. Làng Động của ông là một điểm lập bốt của địch.
– Vâng, thưa cô. Bọn chúng đang chọn đình Đụn làng tôi để lập bốt. Các cụ phụ lão trong làng đang có đơn kêu lên quan phủ, quan tỉnh, phản đối.
– Thưa ông Cử. Tôi được thượng cấp chỉ thị đến gặp ông để bàn về chuyện này. Chúng ta phải tương kế tựu kế. Địch muốn thiết lập hệ thống chính quyền cai trị ở vùng tề, thì Việt Minh cần biết hệ thống đó thành cơ sở quản mình để phục vụ kháng chiến. Vậy là chúng ta phải có một đội ngũ những người làm việc hai mang, ban ngày làm việc với địch, ban đêm là người của ta.
– Tôi hiểu… Nhưng đây là một công việc không dễ dàng…
– Để làm được việc này, Việt Minh phải dựa vào những người yêu nước như ông, như các bạn của ông là các ông Hội thiện ở Nghi Sơn, ông Đồ Sắc ở Chi Hạ, ông Lang Kiêu ở Trầm Bồi…
Ông Cử Phúc tròn mắt, nhìn Cam đầy kinh ngạc.
– Ủa , sao cô lại biết những người bạn của tôi?
– Không có việc gì mà Việt Minh chúng tôi không biết – Cam nháy mắt, cười, nụ cười vừa tinh nghịch vừa đẹp đến mê hồn – chúng tôi còn biết tuần trước tay đồn trưởng Trương Phiên đang đồn trú ở đình làng Động đã mời ông chơi ba hội tổ tôm và ông đã từ chối. Trương Phiên là tay chơi tổ tôm khét tiếng lâu nay. Trong khắp huyện Phương Đình này, Trương Phiên biết chỉ có ông Cử Phúc đáng mặt là đối thủ tổ tôm của hắn mà thôi…”.
– “Dùng dao mổ trâu để thịt… trâu – con trâu của làng quê Việt. Vì thế mà tác giả, với vốn sống dày dặn và kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, đã thoát khỏi vai trò một đồ tể, để trở thành nhà giải phẫu tài ba. Bức tranh xã hội trong “Thời của thánh thần” có tính khái quát cao về một thời kỳ biến đổi sâu sắc mang tính bể dâu suốt nửa cuối thế kỷ XX ở Việt Nam…” – Lê Cao Đoàn, PGS. TS Kinh tế.
– “Cải cách ruộng đất; đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm, chống xét lại; giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; Hòa hợp dân tộc… Những vấn đề cốt lõi ấy được xem xét và đánh giá qua những số phận mấy đời chìm nổi của một gia đình. Thời gian đủ độ lùi cần thiết. Nhưng những hiểu biết của một cây bút phóng sự, tiểu thuyết có hạng, và suy ngẫm một đời viết, mới là yếu tố quyết định làm nên thành công của tác phẩm này…” – Vũ Nho, PGS. TS. Nhà lý luận phê bình văn học.
Mời bạn đón đọc.