Xem sách hay

Thơ Văn Hàn Mạc Tử – Phát Hành Dự Kiến 15/08/2018

Mua ở đâu?
Trần Quang Chu

Độc giả đọc thơ, học sinh sinh viên học tập, giáo viên bình giảng, nhà nghiên cứu khảo cứu, nhà lý luận khảo luận… hầu hết đều cho rằng thơ Hàn Mạc Tử hay nhưng khó hiểu!

Còn Hàn Mạc Tử, tác giả của những vần thơ khó hiểu đã nói gì về lối thơ bí hiểm của mình?

“Cứ theo như lối thơ tôi làm đó thì phải giảng giải biết bao nhiêu trang giấy mà rốt cuộc chưa chắc người ta đã hiểu được tí gì… Và như thế sự cắt nghĩa đối với thơ là vô ích. Người ta cảm biết một cách tự nhiên”.

***

Tôi đã nhận được từ tay linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh, bút danh Trăng Thập Tự, bản thảo ba tác phẩm về thi sĩ Hàn Mạc Tử do ông Trần Quang Chu dày công biên soạn: Nét Khải huyền trong đời và trong thơ Hàn Mạc Tử, Thơ văn Hàn Mạc Tử – Sưu tầm và khảo cứu, Thơ Hàn Mạc Tử –  Lệ Thanh thi tập. Tác giả mong muốn ba tác phẩm mà ông đã có công cưu mang được ra đời nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày qua đời của thi sĩ Hàn Mạc Tử vào cuối năm 2015 và có nhã ý đóng góp những tác phẩm này vào tủ sách Nước Mặn của giáo phận Quy Nhơn.

Trong bộ sách này, tác giả đã có công sưu tầm tối đa các tác phẩm thơ văn của Hàn Mạc Tử đã và đang lưu hành, kể cả những bài thất lạc trong nhiều thâp niên qua, đặc biệt là sưu tập dày gồm 76 bài thơ và 12 bài văn của Hàn Mạc Tử trên báo Công luận mà PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đã cò công tìm kiếm và đưa ra ánh sáng từ Thư viện Quốc gia Hà Nội, như kho tàng chôn giấu bị lãng quên qua dòng thời gian nay lại được phát hiện.

Ngoài việc sưu tầm, tác giả bộ sách này còn đóng góp công sức vào việc hiệu đính, chú thích, biên soạn, khảo cứu, nhờ đó những chỗ sai sót do sao chép, in ấn được điều chỉnh; những điển tích, điển ngữ, phương ngữ và thuật ngữ liên quan trở đến tôn giáo được trở nên rõ nghĩa và dễ hiểu đối với các độc giả ngày nay; những giá trị văn hóa, nhân văn và tinh thần của thơ văn Hàn Mạc Tử được khẳng định thêm. Tác phẩm còn tự khẳng định giá trị của mình nhờ những tài liệu tham khảo và tài liệu dẫn nguồn. Những khảo cứu liên quan đến gia phả, thân thế, tiểu sử, niên biểu và bút hiệu của Hàn Mạc Tử mà tác giả đã đưa vào bộ sách này cũng góp phần làm cho các độc giả có một cái nhìn đúng đắn và đầy đủ hơn về con người, tư tưởng và sự nghiệp văn chương của Hàn Mạc Tử.

Mặc dù sinh quán của Hàn Mạc Tử là Quảng Bình, nhưng vì hoàn cảnh gia đình và xã hội, thi sĩ đã sống phân nửa thứ hai cuộc đời tại Quy Nhơn một cách mãnh liệt và đầy đủ nhất cho đến lúc từ giã cõi trần, như lời thi sĩ tâm sự: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống” (Tựa tập Thơ điên, 1938). Chính tại Quy Nhơn, thiên tài thi ca của thi sĩ đã phát huy đến mức tối đa, lưu lại cho hậu thế những vần thơ bất hủ cùng với tên tuổi của thi sĩ, để từ đây mỗi lần nhắc đến Quy Nhơn người ta liên tưởng đến Hàn Mạc Tử và mỗi khi nhớ đến Hàn Mạc Tử, người ta lại thường liên tưởng đến Quy Nhơn.

Cũng chính tại Quy Nhơn, trong khi chiến đấu với bệnh tật và linh cảm về một cái chết cận kề, một cuộc ra đi về cõi vĩnh hằng, hàng loạt vần thơ đạo của Hàn Mạc Tử đã tranh thủ thời gian tuôn ra lai láng, mang theo những ý tứ cao siêu xác định bức chân dung tự họa của một nhà thơ Công giáo bằng những nét Khải huyền linh thánh: “Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu người là cao cả, vô biên và vô lượng” (Tựa tập Thơ điên, 1938).

Với những nguồn tư liệu phong phú, tác giả đã mạnh dạn biên soạn THƠ VĂN HÀN MẠC TỬ. PHẦN HAI – VĂN, không ngoài mục đích giới thiệu riêng phần văn với những bài thơ văn xuôi, những lời tựa, lời bạt và những bài báo lý luận phê bình của nhà thơ thiên tài Hàn Mạc Tử.

Ước mong bộ sách khảo cứu quý giá này ra đời để quý độc giả xa gần có dịp khám phá kho tàng thi ca phong phú tuyệt vời của một thi sĩ tài hoa được nhiều người mến mộ. 

Mathêô Nguyễn Văn Khôi

Giám mục Giáo phận Quy Nhơn

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?