Thiên Đường Và Địa Ngục:
“Ước mơ muôn thuở trong các câu chuyện cổ tích:
Người hiền gặp lành. Kẻ ác bị trừng trị
Qua được luật đời. Không lọt được lưới trời”
Phải nói, đó là sự khao khát về lẽ công bằng của con người muôn thuở. Là đích hướng tới của một xã hội nhân ái – luôn tôn vinh người hiền và căm thù kẻ ác “Người hiền gặp lành. Kẻ ác bị trừng trị” .
Mặt khác trong triết lý nhân sinh này đề cập đến hai khái niệm: “Luật đời” và “Luật trời”. Vậy luật đời là gì, nó bị chi phối bởi sức mạnh nào? Quy luật kẻ mạnh thắng kẻ yếu, người có quyền chi phối kẻ không có quyền – tức kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu tạo nên một thứ luật bất thành văn gọi là luật đời. Nó tạo thành một thứ luật đem đến sự đau khổ cho người này nhưng đồng thời sự sung sướng cho người khác. Những kẻ mạnh thường tạo cho mình sự sung sướng – hay nói khác đi – tạo cho mình thiên đường trên cõi nhân gian – bằng cách gây tội ác với đồng loại.
Tuy nhiên, cũng rất tự nhiên, con người luôn khao khát hướng tới lẽ công bằng. Toà án của con người (luật pháp) có thể không giải quyết được cho họ, nhưng có một toà án khác sẽ làm được điều đó. “Lưới trời” chính là một thứ toà án như thế. “Trời có mắt” – dân gian thường nói như thế, hay mong ước như thế khi mà cái ác bị trừng trị, hay chưa bị trừng trị thì “trời biết” và nhất định sẽ bị trừng trị, không ở kiếp này thì ở kiếp khác. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Trước sau, tất yếu sẽ thế!
…Chưa đạt đến nền văn minh dân chủ – con người chỉ còn biết mơ ước, mơ ước người hiền sẽ gặp lành, mơ ước kẻ ác sẽ bị trừng phạt, mơ ước có một lực lượng siêu nhiên (Trời) giúp họ ngăn chặn và diệt trừ cái ác, mơ ước trời sẽ mang lại cho mình sự công bình…..
“Thiên đường và địa ngục” nói lên mơ uớc chính đáng ấy – nhưng có lẽ tác giả chỉ muốn mượn cái ý của dân gian về sự mơ ước mà thôi. Tác giả miêu tả “Thiên đường và địa ngục” ra là miêu tả hiện thực. Nếu Thiên đường trong truyện là cõi thực, thì Địa ngục lại chính là ước mơ.
Bởi lẽ, cái thiên đường, dưới ngòi bút của tác giả – không hề là cõi Niết bàn siêu thanh tịnh độ, nơi con người được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng và sự bình yên tuyệt đối, không phải là nơi thanh sạch vô cùng, trái lại nó là chốn trần ai, trầm luân bể khổ. Nơi có người nhọc nhằn mưu sinh, bị đè nén, bị chèn ép, bị lọc lừa phản trắc. Nơi một số kẻ mạnh áp đảo đa số kẻ yếu, nơi số ít trấn lột hạnh phúc và quyền làm người của một số đông để tạo dựng cho chúng thiên đường riêng của mình. Thiên đường ấy được xây dựng nên từ những khổ đau của đồng loại. Thiên đường ấy là số ít. Với số đông nó thực ra là Địa ngục.
Mục lục:
Lời nói đầu
Nó
Dị ứng
Lá rụng
Bụi sông
Làng cốm của tôi
Trái mùa
Hai con lợn mừng thọ
“Chăn gà”
Trở lại
Mít mật
Như một nỗi buồn
Cao số
Chị và em
Chạy trốn
Chiều không êm ả
Thiên đường và địa ngục
Mời bạn đón đọc.