Cuốn sách Thao thức Tràng An được gọi là tạp văn hay lý, bút ký hoặc truyện kể, đều được cả. Ranh giới giữa chúng chẳng là bao. Cốt là cái tinh thần trong những bài viết toát lên được một chút gì đó làm cho độc giả đề cập đến nhiều vấn đề gắn với thơ ca, nhạc, hoạ, phong tục, tập quán, phong cảnh, những mảnh đời, tình yêu…
Với chừng 60 câu chuyện về mảnh đất Tràng An – Thăng Long, tác giả viết với văn phong khá mới mẻ mà dân dã. Đôi lúc lại buồn buồn và ngơ ngác. Nhưng, tác giả luôn lạc quan, yêu cuộc sống, trân trọng các nhân vật. Tác giả luôn nhân mạnh đến những điều tốt đẹp và kỳ lạ. Ca ngợi những con người tài hoa đến mức say sưa, chừng như không thể ghìm lại được những làn sóng bên trong. Những chuyện trong cuốn sách thường được lấy từ những câu chuyện có thực rồi qua sự trải nghiệm giang hồ của bản thân tác giả mà mang một hình hài và hồn phách khác với chúng.
Văn là người. Điều này đúng với tác giả. Ông là người đã qua nhiều thân phận: thợ khắc gỗ, in litho, bộ đội chiến đấu, dạy học, sinh viên lưu học, chuyên gia cao đẳng hoá chất, biên tập, viết báo, viết văn, phiên dịch, hướng dẫn du lịch… Ông sử dụng được vài ngoại ngữ, đã qua nhiều quốc gia và đặt chân lên khắp 3 miền Tổ quốc. Cuộc đời của ông đầy vất vả, dãi dầu, kiên nhẫn và cần cù. Đến giời, ông đã có trên 30 tác phẩm viết và hơn 20 tác phẩm dịch từ tiếng nước ngoài.
Tôi nghĩ rằng Thao thức Tràng An của tác giả Lý Khắc Cung sẽ không phụ lòng bạn đọc yêu Hà Nội.