Tắt Đèn – Tác Phẩm Văn Học Trong Nhà Trường:
Tiểu thuyết đầu tay Tắt đèn là một tác phẩm thành công nhất, có giá trị nhất của Ngô Tất Tố, là một trong các tác phẩm xuất sắc nhất trong dòng văn học hiện thực của văn chương nước ta giai đoạn 1930 – 1945.
Chỉ vài năm sau ngày nền giáo dục mới của nước ta chính thức định hình, từ năm 1958, Tắt đèn đã được trích giảng trong các trường phổ thông và từ năm 1960, Tắt đèn cùng thân thế và sự nghiệp của Ngô Tất Tố bắt đầu giảng dạy ở bậc đại học.
Trong bài “giới thiệu” ghi ngày 25.1.1939, in ngay từ những trang đầu của sách, Vũ Trọng Phụng viết: “Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội, một áng văn có thể gọi là kiệt tác tòng lai chưa từng thấy” và khẳng định: không ai khác, chính Ngô Tất Tố là người có “đủ tư cách” và “đủ thẩm quyền” để biết Tắt đèn. Bạn đọc và giới nghiên cứu… thường tiếp cận toàn vẹn lời giới thiệu này đăng trên báo Thời vụ số 100 ngày 31.1.1939 mà ít biết rằng: người trực tiếp viết lời giới thiệu ngay trên sách in lần đầu tiểu thuyết đầu tay của Ngô Tất Tố chính là Vũ Trọng Phụng.
Cùng thời với lời bình của Vũ Trọng Phụng, cũng có những đánh giá ưu ái về Tắt đèn. “Tắt đèn! Tôi đã bật đèn lên đọc hết cuốn truyện ấy rồi. Trong nửa giờ. Hay lắm! Nên đọc. Trong rừng văn, một cuốn tiểu thuyết như thế, thực hiếm” (T.L – Báo thời vụ – 1939). “Tắt đèn đứng vào hàng những cuốn tiểu thuyết tả chân có giá trị trong văn chương Việt Nam. Tôi không chắc sau này có cuốn nào hơn nó không, nhưng tối dám quyết trước nó chưa có cuốn nào” (Hoài Xuân – Báo Con ong – 1939).
“…
– Cầm bộ quần áo này và đôi guốc kia ra tắm ở đằng sau trại, cái nhà vuông con có che cót đó, tắm cho sạch đi.
Chị Dậu ngạc nhiên:
– Thưa ông, ông bảo tôi ạ?
Cai lệ cau mày:
– Chẳng bảo mày thì bảo ai? Còn ai được mặc những quần áo này?
Chị Dậu oà khóc:
– Xin ông xét lại cho tôi. Tôi mới bị giam một lúc sao ông đã bắt tôi mặc quần áo tù?
Cai lệ phì cười:
– Quân mới ngu chứ! Quần áo tù được thế này à? Đó là quần áo của trời cho đấy. Cứ ra tắm đi, rồi mặc vào. Không hỏi lôi thôi.
Chị Dậu vội chùi nước mắt:
– Thôi! Cháu không tắm! Cháu không thay. Ông cho cháu cứ mặc quần áo của cháu…
Cai lệ ra vẻ bực mình:
– Nhưng mà còn bẩn không ai chịu được. Mày tưởng giường phản nhà quan cũng như giường chiếu nhà mày đấy à? Tắm đi và mặc bộ quần áo này một đêm nay thôi. Sáng mai lại mặc những thứ tốt đẹp của mày, không ai cấm!…” (Trích đoạn ngắn Trong Tác Phầm Tắt đèn).
Mời bạn đón đọc.